Về xếp hạng theo từng tiêu chí, trong lần xếp hạng này, trong số 4 tiêu chí xếp hạng, ĐHQGHN có 03 tiêu chí tăng thứ hạng một cách đáng kể, cụ thể tiêu chí Tác động (Impact) tăng 235 bậc; tiêu chí “Xuất sắc” về nghiên cứu khoa học (Excellence) tăng 98 bậc.
Đặc biệt, tiêu chí “Độ mở” (Openess) tăng mạnh (581 bậc), đây là tiêu chí được tính dựa trên 10 hồ sơ nhà khoa học của ĐHQGHN trong Google Scholar có số trích dẫn lớn nhất. Đây cũng là kết quả của sự tham gia mạnh mẽ của nhiều nhà khoa học của ĐHQGHN vào cộng đồng học thuật thế giới trên Google Scholar.
Đứng vị trí thứ 2 ở Việt Nam là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tiếp theo là ĐH Cần Thơ và ĐHQG Hồ Chí Minh (1336, 2714 và 2772)… Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có thứ hạng về tiêu chí Tác động (Impact) tốt nhất trong số các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam (1165).
Trong lần xếp hạng này, Cybermetrics Lab có điều chỉnh nhỏ về trọng số của các tiêu chí xếp hạng, cụ thể, tiêu chí về quy mô website (Presence) giảm trọng số còn 5% (kỳ trước là 10%) và trọng số của tiêu chí Excellence, đánh giá chất lượng công bố khoa học dựa vào cơ sở dữ liệu Scopus, tăng trọng số từ 30% lên 35%.
Như vậy, xếp hạng của Webometrics ngày càng được điều chỉnh để gia tăng mức độ đánh giá chất lượng học thuật của các cơ sở giáo dục đại học.
Các vị trí đứng đầu Châu Á và Thế giới gần như không thay đổi. Đứng đầu châu Á là Đại học Thanh Hoa - Trung Quốc, tiếp theo thứ tự là Đại học Hồng Kong (2), Đại học Quốc gia Singapore (3), Đại học Bắc Kinh (4), Đại học Tokyo (5), Đại học Quốc gia Che Kiang -Trung Quốc (6), Đại học Giao thông Thượng Hải - Trung Quốc (7), Đại học Quốc gia Đài Loan (8), Đại học Kyoto - Nhật Bản (9) và Đại học Quốc gia Seoul - Hàn Quốc (10).
Trong Top 10 thế giới, Hoa Kỳ là quốc gia áp đảo với 8 đại học, Vương quốc Anh với 2 đại học: Đại học Harvard (1), tiếp theo là ĐH Stanford (2), Viện Công nghệ Massachusetts (3), ĐH California Berkeley (4), ĐH Michigan (5), ĐH Washington (6), ĐH Oxford (7) - Vương quốc Anh, ĐH Cornell (8), ĐH Columbia New York (9) và thứ 10 là ĐH Cambridge - Vương quốc Anh.
Trong tháng 6/2018, ĐHQGHN lần đầu tiên vào top 1000 thế giới theo bảng xếp hạng QS World Ranking. Có 60 đại học lần đầu lọt top 1000 này, trong đó ĐHQG TP.HCM thuộc nhóm 701-750 và ĐHQGHN thuộc nhóm 801-1000. Riêng hai tiêu chí về đánh giá của các nhà tuyển dụng và tỷ lệ giảng viên/sinh viên, ĐHQGHN nằm trong top 500.
Bảng xếp hạng Webometrics được thực hiện bởi một đơn vị nghiên cứu cấp quốc gia của Tây Ban Nha từ năm 2004. Mỗi năm 2 lần (tháng 1 và tháng 7), Webometrics đưa ra kết quả xếp hạng cho các trường đại học trên thế giới dựa trên 4 chỉ số đánh giá các thông số của trang web của các cơ sở giáo dục. 4 chỉ số gồm:
1. Mức độ xuất hiện (Presence): Số lượng các website con tương ứng với website chủ của một trường.
2. Mức độ ảnh hưởng (Impact): Số lượng backlink từ các website khác trở về website của trường đang xem xét.
3. Mức độ mở (Openess): số lượng trích dẫn các công trình khoa học trên nguồn dữ liệu Google Scholar.
4. Sự xuất sắc (Excellence): số lượng các bài báo công bố trong hệ thống tạp chí Scopus do Scimago thống kê.