Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thu hút không ít sự quan tâm của dư luận thời gian qua đã chính thức được vận hành thử nghiệm vào tháng 8. Tùy thuộc vào kết quả chạy thử, cơ quan chức năng sẽ quyết định thời điểm đưa tàu vào khai thác thương mại. Tuyến đường sắt trên cao này có chiều dài hơn 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi. Dự kiến thời gian khai thác tàu trên cao là 3-5 phút/ chuyến, tương lai 2 phút/ chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/h.
Ngay khi những số liệu này được công bố, không ít ý kiến cho rằng tốc độ lưu thông bình quân của tàu Cát Linh - Hà Đông đạt 35 km/h là quá chậm, chỉ ngang thậm chí thấp hơn tốc độ xe máy thông thường đi trong thành phố. Trên thực tế, đây là con số rất dễ gây hiểu lầm và cần phải được xem xét trên nhiều khía cạnh để đánh giá là tàu đi chậm hay vừa. Bởi so với vận tốc trung bình của tàu trên cao ở các nước phát triển như Mỹ hay các nước châu Âu, tàu Cát Linh - Hà Đông cũng không kém cạnh, thậm chí còn nhanh hơn khi tàu đường sắt ở New York (Mỹ) trung bình chạy với vận tốc khoảng 27 km/h (theo New York Post); ở London (Anh) là 33 km/h (theo The Telegraph). Vận tốc trung bình của tàu đường sắt trên cao phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như khoảng cách giữa các ga, thời gian dừng ở ga. Khoảng cách giữa các ga ngắn thì vận tốc trung bình thấp vì tàu vừa rời ga chưa kịp đạt tốc độ tối đa đã phải giảm tốc độ để vào ga sau.
"Tốc độ trung bình toàn tuyến là 35 km/h, cho quãng đường hơn 13 km từ ga Cát Linh tới Hà Đông. Như vậy thời gian trung bình để tàu đi trên cả tuyến là 22 phút. Trên toàn tuyến, có 12 nhà ga (bao gồm cả ga Cát Linh và ga Hà Đông), khi chạy hết toàn tuyến, tàu sẽ dừng ở 10 ga. Thời gian dừng tính trung bình là một phút để hành khách lên xuống. Như vậy, thời gian thực chạy của tàu là 12 phút (22 phút - 10 phút) cho quãng đường 13 km. Vì vậy tốc độ trung bình của tàu là khoảng 65 km/h" - FB Q.H lý giải.
Dù mới chỉ chạy thử nghiệm nhưng tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hiện vẫn đang được dư luận rất quan tâm, hi vọng dự án này phần nào góp phần giảm phương tiện cá nhân và tình trạng tắc đường ở nội thành. Thông tin với báo chí, ông Vũ Hồng Phương, Phó GĐ Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT - chủ đầu tư công trình, cho biết, hiện dự án đã đạt 96% khối lượng xây dựng cơ bản, thiết bị đã nhập về trên 95% và lắp đặt hoàn chỉnh trên 86%. Dự kiến sau 3 - 6 tháng chạy thử, tuyến đường sắt sẽ đưa vào vận hành thương mại với giá vé cao hơn vé xe buýt 30-37%, giá vé tháng cao hơn giá vé tháng xe buýt khoảng 15%.