Câu hỏi về “Kỳ thi lớn nhất cuộc đời” đã chạm đến những áp lực vô hình, cùng những mặc cảm của các bạn trẻ đang chênh vênh trên hành trình tìm kiếm giá trị bản thân. Từ nỗi trăn trở ấy, các bạn học sinh ngày ngày phải chạy đua với điểm số có thể bước chậm lại, đánh thức giấc mơ lâu nay bị khỏa lấp bởi sự kỳ vọng và áp đặt vô lý từ người lớn.
Thông qua hai hình thức: Bài viết và podcast, các thí sinh cho thấy nhiều góc nhìn sâu sắc bên cạnh sự dí dỏm vốn có của lứa tuổi học trò. Mỗi bạn trẻ là một câu chuyện khác nhau, nhưng đều có chung khao khát thoát khỏi vùng an toàn để sống hết mình với ước mơ.
Những cốt truyện sáng tạo
Với trí tưởng tượng phong phú, rất nhiều thí sinh đã mạnh dạn tạo dấu ấn riêng thông qua những cách dẫn dắt đầy lôi cuốn.
Đó là câu chuyện về hành trình Hoàng tử bé khám phá hành tinh thứ 8, nơi bạn không bao giờ bắt gặp trong cuốn sách của Antoine De Saint - Exupéry, mà chỉ có thể tìm thấy tại “Kỳ thi lớn nhất cuộc đời”. Thông qua lời kể của thí sinh Lê Thị Hằng: “Tôi từng nghĩ, nếu mình cũng có hành tinh riêng. Bỗng một ngày đẹp trời trong chuyến trốn chạy bông hoa hồng kiêu hãnh, Hoàng tử bé sẽ dừng chân lại hành tinh của mình. Và câu chuyện của Antoine De Saint-Exupéry sẽ có thêm phiên ngoại đặc biệt.” Ở đó, Hoàng tử bé đã giúp đỡ cho một cô gái tháo bỏ những sợi dây kìm hãm với thông điệp ý nghĩa: “Gạt đi cái nhìn xung quanh, dũng cảm đối diện với chính mình là bước đi đầu tiên để theo đuổi đam mê.”
Ở hạng mục podcast, thí sinh K Joon Na đã chọn trở thành cô chủ quán cà phê để tâm tình với thính giả về một cuộc tuyển chọn thành viên CLB tại trường đại học, cuộc thi mà theo cô bạn đó chính là bước đệm để“tìm được nơi mình thực sự thuộc về”.
Cùng chung thể loại podcast, bạn Hồng Ngọc Như Ý lại giữ chân khán giả bằng giọng đọc “siêu cưng”, kể lại câu chuyện của một tuổi trẻ lạc lối nhưng không hề bi lụy mà ngược lại còn khiến người nghe phải suy ngẫm: “Cháy thật rồi! Ngọn lửa tâm hồn em, ngọn lửa ước mơ treo cao trên làn gió. Xin hãy đốt cháy những bức vẽ nhạt nhòa và những con chữ buồn bã. Chắc chắn, tương lai em khi nhìn lại không cần phải hối hận vì đã vượt qua kì thi này!”.
Những thông điệp mới mẻ
Những câu chuyện được kể lại bằng chính trải nghiệm của người viết bao giờ cũng có sức hút mạnh mẽ. Các bài thi của “Kỳ thi lớn nhất cuộc đời” cũng vậy, nhờ ngôn từ dẫn lối, vô vàn thông điệp mới mẻ qua lăng kính của các bạn học sinh càng trở nên sống động.
Huỳnh Tấn Tài - một bạn trẻ đam mê thiết kế và hiện đang học tập tại Arena Multimedia đã có nhiều trăn trở sau nửa năm đối diện với COVID-19. Giai đoạn này đã giúp cậu đi sâu vào tâm thức để có cái nhìn cặn kẽ hơn về mọi vấn đề và hình dung rõ nét về sự cần thiết của một “bản thiết kế cuộc đời”.
Giống như Tấn Tài, Đặng Châu Anh - một thí sinh chỉ mới 15 tuổi cũng có nhiều suy tư về hành trình đi tìm lời giải đáp cho “kỳ thi lớn nhất cuộc đời mình”. Mong ước trở thành nhà văn, ngòi bút Châu Anh đầy chiêm nghiệm khi trải lòng về đam mê của mình, thứ đam mê mà chính cô bạn cũng chưa thể chắc chắn là “dũng cảm hay viển vông”: “Đối với ta, đam mê là nguồn sống, thế thôi. Đơn giản mà lớn lao. Tôi thắc mắc với nhiều người về lí do chúng ta chưa có được sự ủng hộ, công nhận hằng khao khát. Lý do của người đời thì có vô vàn, nhưng lý do khiến “người trong cuộc” chùn bước chỉ có thể là thiếu niềm tin và động lực thôi.”
Trong quá trình kết nối những trái tim đồng điệu, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ với thế giới quan sinh động đã mang đến cho “Kỳ thi lớn nhất cuộc đời” rất nhiều chia sẻ quý giá.
Cuộc thi Kỳ thi lớn nhất cuộc đời với tổng giá trị giải thưởng lên đến 400 triệu đồng do Hoa Học Trò phối hợp cùng Hệ thống Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia và Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC tổ chức đã đi đến chặng cuối. Vào ngày 29/5 này, chủ nhân của các giải thưởng cao quý của cuộc thi sẽ chính thức lộ diện tại Gala Trao giải được tổ chức tại Hội trường Hoa Sen, Trung tâm Hội nghị 272 Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM.
Mến mời các bạn đến tham dự để cùng chúng tôi nhìn lại một hành trình đong đầy cảm xúc. Đăng ký tại đây.