Năm mới thật ra là dịp tệ nhất năm, để làm mới mình
Có gì đặc biệt ở ngày 1/1 hằng năm vậy? Nó chỉ đơn giản là ngày đầu tiên của một vòng quay 365 ngày khác, chẳng có gì nổi trội ngoài việc bạn bắt đầu bị nhầm lẫn khi viết số năm. Của đáng tội, ngày đầu tiên của năm mới bao giờ cũng bị gắn với những “kế hoạch thay đổi, làm mới mình” rất hoành tráng, bởi trong tiềm thức của chúng ta, ngày đầu tiên ấy luôn mang ý nghĩa rất đặc biệt. Đó đơn giản là hiệu ứng tâm lí A fresh start - một khởi đầu mới tinh tươm, nghe thật là hứa hẹn biết bao.
Vậy là chúng ta háo hức lên kế hoạch để làm mới mình, kiểu như:
- Mục tiêu năm nay là sẽ giảm 5kg cả thịt lẫn mỡ. Giờ chỉ còn vỏn vẹn… 10kg nữa thôi, cố lên.
- Năm nay cố gắng phải đi du lịch đâu đó. Người nào không đi thì chỉ như đọc sách mỗi một trang. *Sau khi kiểm tra ví để dành* Thôi mình du lịch qua màn ảnh nhỏ cũng được.
- Kiểu gì thì kiểu, 2019 nhất định phải có gấu nha. Xong nghĩ đến việc tối nào cũng phải ăn mặc lồng lộn, trang điểm xinh đẹp, đi chơi hẹn hò để tìm ra đối tượng thích hợp bỗng dưng là chuyện quá nhiêu khê, bạn lại tặc lưỡi “Thôi còn trẻ mà, cô đơn thêm năm nữa cũng chẳng sao đâu”. Và lại ở nhà ôm mèo xem phim ăn bỏng ngô vào mỗi cuối tuần.
Đó. Năm mới luôn khiến chúng ta CÓ CẢM GIÁC muốn thay đổi, muốn bứt phá, muốn khác đi, muốn tốt lên. Nhưng điều chúng ta làm chỉ là vạch ra những kế hoạch thiếu tính thực tế, viết ra cho có vẻ có to-do list hoành tráng, chứ biến chúng thành hiện thực thì chắc thất bại đến 95%. Năm mới, bỗng dưng trở thành một điều gì đó rất hoa mỹ, rất ý nghĩa, nhưng thực chất chẳng khác quái gì những ngày bình thường, khi bạn vẫn thức qua 12 giờ đêm, vẫn dán mắt vào máy tính, vẫn làm những công việc nhàm chán hằng ngày, và chẳng buồn nhấc mông lên để thay đổi.
Bạn sẽ chỉ thực sự thay đổi khi bạn muốn, và cần điều đó!
Có phải chúng ta quá yếu đuối và thiếu quyết tâm không? Khi đến cả năm mới bây giờ cũng là dịp tệ hại để làm mới bản thân? Có phải chúng ta đã quá an phận, đã quá thoải mái trong comfort zone - vùng an toàn của mình đến mức chẳng buồn ngó ra ngoài xem thế giới đang khác đi như thế nào nữa?
Không. Câu trả lời thực ra rất đơn giản, đó là bởi chúng ta thực sự không hiểu tâm lí và những thứ ở sâu trong tiềm thức của chính mình.
Đơn giản nhất, thử coi tâm trí bạn là một chương trình được tạo ra bởi những dòng code. Hàng triệu, hàng tỉ dòng. Có những dòng code đã có đầy đủ những lệnh, mã, xuất hiện ngay từ khi bạn sinh ra, đó là bản năng sống mà bạn không thể thay đổi: Ăn khi đói, gãi khi ngứa, uống khi khát, chạy trốn khi thấy nguy hiểm… Bạn chẳng cần phải nghĩ tại sao mình lại có những khả năng ấy, bởi chúng đơn giản đã được viết sẵn trong chuỗi ADN của bạn rồi. Cứ thế mà chạy chương trình.
Rồi chúng ta bắt đầu có những dòng code được lập trình cao hơn, phức tạp hơn, bởi những người, những vật xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta. Đó là bố mẹ, thầy cô giáo, họ hàng, bạn bè… Những người ở gần ta nhất khi ta phát triển và lớn lên. Chúng ta lại chạy thêm những chương trình mới, như giải toán, viết văn, xử lí khủng hoảng…
Nhưng có một điều quan trọng, cũng như một chương trình, chúng ta không thể biết code của mình có lỗi, có bug gì không, cho đến khi chạy thử. Ví như bộ não của một đứa bé hai tuổi sẽ không thể nhận thức được một mối quan hệ tình cảm lành mạnh phải bao gồm cả việc hai người sẽ có những trận cãi nhau kịch liệt đến độ muốn đấm cho nhau mấy phát.
Chúng ta ngại thay đổi, lười thay đổi, sợ thay đổi, hay KHÔNG THỂ thay đổi, đơn giản là bởi chúng ta chưa thể khống chế, kiểm soát được những dòng code đã ăn sâu vào tâm trí, tiềm thức và trở thành một thói quen của chính mình.
Bạn sẽ thấy mình cao mét rưỡi nặng 60 kg vẫn thật bình thường, nếu trong nhà bạn toàn những người béo phì và lấy ăn uống làm niềm vui. Chứng kiến những lần giảm cân thất bại của anh chị, bố mẹ cũng sẽ khiến bạn tự hình thành suy nghĩ “Giảm cân là điệp vụ bất khả thi, mình sẽ không-bao-giờ gầy được!”. Chính vì thế, để thay đổi, chúng ta cần nhiều hơn một sự quyết tâm, hay ngày 1/1 hằng năm để làm động lực.
Chúng ta không cần năm mới, cái chúng ta cần đơn giản là ngay-lúc-này!
Đã đến lúc chúng ta cần dẹp quan niệm “Năm mới là để thay đổi” sang một bên. Chúng ta luôn được cuộc sống trao tặng cơ hội thứ hai để làm mới mình, để sống khác đi, và cơ hội ấy có tên gọi là “ngày mai”. Hoặc thứ Hai, của mỗi tuần. Điều chúng ta cần, là làm sao để đánh bại sự trì hoãn, làm sao để phá bỏ được những thói quen được hình thành từ cả chục năm nay.
Một trong những phương pháp đơn giản nhất để đánh bại sự trì hoãn bắt nguồn từ một nữ phục vụ bàn. Bluma Zeigarnik, một nhà tâm lý học người Nga sau khi đi ăn ở nhà hàng đã để ý rằng, người nữ phục vụ bàn dường như chỉ nhớ những món ăn đang được phục vụ. Sau ca làm của mình, cô hoàn toàn quên hết chúng.
Zeigarnik sau đó đã làm thí nghiệm bằng cách giao cho những người tham gia làm những công việc nhỏ lẻ đơn giản. Một số công việc đang làm thì bị gián đoạn bởi những sự cố nhất định mà Zeigarnik cố tình xen vào. Kết quả sau khi thí nghiệm, những người tham gia đã nhớ các công việc mình đang làm và bị gián đoạn gấp đôi những công việc khác.
Hiệu ứng Zeigarnik đã ra đời từ đó. Phương thức rất đơn giản: Tôi đã bắt đầu, vì thế tôi sẽ kết thúc (I have to finish what I started).
Vậy nên, điều cốt yếu để bạn có thể thay đổi, là hãy thực hiện nó, biến kế hoạch trên giấy thành hành động, NGAY BÂY GIỜ.
Muốn giảm cân, hãy tập thể dục và ăn uống lành mạnh ngay lập tức.
Muốn kiếm tiền, hãy ngó nghiêng và tìm việc ngay lập tức, bắt đầu từ những công việc part-time đơn giản nhất cũng chẳng sao. Chẳng ai đùng cái có việc 50 triệu đồng/tháng ngay đâu.
Muốn có gà bông cầm tay nhau dạo chơi khắp chốn, hãy tập yêu mình trước đã. Rồi bạn mới có thể chỉ cho người khác cách yêu thương bạn sao cho đúng.
Đừng ca điệp khúc “Nốt hôm nay, rồi mai mình sẽ bắt đầu thay đổi” nữa. Vì nếu thế, thì dù cả năm có là ngày 1/1, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ thay đổi được cái quái gì đâu!