Là người dân tộc thiểu số, Lầu Nguyễn Hương Giang (sinh viên năm 3 khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) hiểu rất rõ những khó khăn, trở ngại trên hành trình chinh phục tri thức. Hương Giang tâm sự bạn luôn mong muốn bản thân có thể góp sức trong việc hỗ trợ trẻ em vùng cao, dân tộc thiểu số có thêm cơ hội đến trường. Mong muốn đó chính là động lực thúc đẩy Giang tham gia vào các dự án "Được học" và "Sách này để xây trường".
"Khi vừa vào năm nhất đại học, mình đã chủ động tìm kiếm các hoạt động ngoại khóa có thể hỗ trợ cộng đồng. Thế là mình mạnh dạn đăng ký hai dự án trên. Sau khi đã tham gia vào hai dự án trên, mình hiểu hơn rằng mong muốn đấy không nằm ở cá nhân nữa mà đó là việc mình muốn đồng hành lâu dài và đóng góp nhiều hơn cho hai dự án nói riêng và cho cộng đồng nói chung", Hương Giang chia sẻ.
Hương Giang cũng chăm chỉ tham gia các hoạt động thiện nguyện khác như Ngày hội Tình nguyện Quốc gia. Ảnh: NVCC |
Tham gia các dự án thiện nguyện lớn nhỏ, "Được học" và "Sách này để xây trường" là hai dự án khiến Hương Giang cảm thấy tự hào nhất bởi đó là sản phẩm, sự cố gắng của rất nhiều các tình nguyện viên. Ngoài ra, đây cũng là hai dự án Hương Giang được giao nhiệm vụ phụ trách chính.
Chia sẻ về tên gọi của các dự án, nếu "Sách này để xây trường" hướng đến việc quyên góp, xây thư viện cho các trường học, thì "Được học" lại là dự án mà Hương Giang tốn nhiều thời gian để "suy nghĩ" nhất.
"Dự án này có thể hiểu đơn giản là có một cơ hội để học tập. Hoạt động của dự án “Được học” là kêu gọi những chiếc laptop cũ còn sử dụng tốt để tặng lại cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hành động này của “Được học” hy vọng các bạn sẽ có cơ hội được tiếp cận với công nghệ học tập dễ dàng hơn. Đó cũng là mục đích ban đầu của dự án. Đến nay, dự án đã có tổng cộng 4 chi nhánh: Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An và TP.HCM và có gần 600 sinh viên dân tộc thiểu số ở cả bốn tỉnh thành Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An và TP.HCM đã được nhận laptop thành công."
Gần đây, "Được học" đang được Hương Giang và các tình nguyện viên triển khai theo hướng xây dựng mới. Nữ sinh cho biết, dự án sẽ mở rộng theo hướng cung cấp các khóa học đa dạng kỹ năng, từ thiết kế, quay, dựng, thuyết trình, kỹ năng nói trước đám đông và hoàn toàn miễn phí, để các bạn không chỉ được hỗ trợ về phương tiện học tập, mà còn có cơ hội tìm hiểu các kĩ năng mới.
Hương Giang - quản lý dự án “Được học” và hành trình trao laptop đến tay các bạn sinh viên dân tộc thiểu số. Ảnh: NVCC |
Sau rất nhiều những nỗ lực của tình nguyện viên, Hương Giang cảm thấy vô cùng biết ơn và tự hào khi có thể lan tỏa dự án đến được với nhiều người. Về dự định trong năm 2025, Hương Giang và các tình nguyện viên vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh số lượng sinh viên được hỗ trợ laptop tăng lên nhiều nhất có thể.
"Mình mong muốn có thể kết nối được laptop nhiều hơn nữa, sẽ vượt qua kết quả của năm nay, tức hơn 300. Mình hy vọng nó có thể đạt đến con số 400 hoặc 500 trong năm 2025. Đồng thời, mình cũng muốn “Được học” sẽ tạo ra được một mô hình xây dựng riêng về khóa học để tối ưu hơn, thuận tiện hơn cho các bạn sinh viên dân tộc thiểu số", Hương Giang tâm sự.