Tại sao những “trò chơi tự hại” trên mạng xã hội vẫn “dụ” được teen?

Tại sao những “trò chơi tự hại” trên mạng xã hội vẫn “dụ” được teen?
HHT - Sau cơn sốt B.W.C kéo dài ba năm ám ảnh nước Nga một thời, một trò chơi nguy hiểm lại dấy lên trên MXH toàn cầu. Đây là phiên bản “hậu duệ” của trò chơi trước đó, dẫn người chơi đến đích cuối cùng - tự làm hại bản thân.

Những thử thách đẫm máu “hút” người chơi

Bắt nguồn từ năm 2016, trên mạng truyền thông Nga rộ lên một trò chơi mang tên B.W.C. Theo chỉ dẫn, người chơi sẽ phải thăm dò những người đang thực hiện thử thách để được kết nối với chủ trò chơi. Sau đó, người chơi được yêu cầu cung cấp địa chỉ ID, toàn bộ thông tin cá nhân và sẵn sàng để nhận chỉ dẫn mới vào 4 giờ sáng mỗi ngày. Trò chơi sẽ kéo dài trong 50 ngày cùng với các chỉ dẫn với mức độ tăng dần, bắt đầu nhẹ nhàng như thức dậy lúc 4 giờ 20 phút sáng và coi đoạn clip kinh dị, khắc một câu thành ngữ lên cánh tay, xem phim kinh dị cả ngày... cho đến mức độ nặng hơn như… cắt lưỡi bản thân, tự cắt tay nhiều lần, đứng trên đỉnh tòa nhà... Và thử thách cuối cùng chính là trở thành cá voi và lao ra biển - nhảy xuống từ một tòa nhà để được công nhận là người chiến thắng. Trò chơi này đã được cho là liên quan đến hơn 100 vụ tự sát ở Nga và nhiều trường hợp được giải thoát kịp thời ở các bước cuối cùng của thử thách, gây chấn động truyền thông thế giới.

Tại sao những “trò chơi tự hại” trên mạng xã hội vẫn “dụ” được teen? ảnh 1

Thế nhưng gần đây, một phiên bản “hậu duệ” đã xuất hiện bắt nguồn từ mạng xã hội Whatsapp - mang tên M.C. Biểu tượng của trò chơi này là hình người phụ nữ hóp mặt, mắt lồi ra phía ngoài, là tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ người Nhật Midori Hayashi. Đó chính là avatar của một tài khoản Whatsapp, mà khi người dùng kết nối với tài khoản này sẽ nhận được một loạt đoạn ghi âm, hình ảnh, video cùng những yêu cầu tự làm hại, làm đau bản thân mình. Những tin nhắn sẽ được gửi một cách liên tục và lặp đi lặp lại cho đến khi nào nhận được câu trả lời là những bức ảnh của người chơi ghi lại trong quá trình tự hại. Điểm cuối của trò chơi này chính là ghi lại quá trình tự sát của bản thân để được coi như thắng cuộc.

Trước những thử thách kể trên, giới trẻ từng có những “thử thách tự hại” ngắn hạn khác như thử thách 48 giờ mất tích và sẽ được tính điểm dựa trên số lần người chơi được nhắc đến trên mạng xã hội trong thời gian cắt đứt liên lạc với mọi người, hay game trốn nhà đi 3 ngày không được liên lạc gây ra các vụ náo loạn tìm con ở Pháp,...

Trò chơi “dại” sao vẫn tồn tại?

Với tâm lí ổn định chắc hẳn sẽ không ai lấn sâu vào những trò chơi ảo gây ra hệ quả thật thế này. Đối tượng chính của thử thách chính là nhằm vào những người trẻ đang cảm thấy lạc lõng, đau khổ và có sẵn ý định tự kết liễu bản thân. Ngoài ra cũng chính là đối tượng này luôn có mong muốn được thể hiện bản thân, khẳng định với mọi người sức mạnh của mình và chỉ mong một lúc nào đó trong đời, mình là người chiến thắng.

Tại sao những “trò chơi tự hại” trên mạng xã hội vẫn “dụ” được teen? ảnh 2

Philipp Budeikin, kẻ bày ra trò B.W.C khi bị bắt đã thú nhận rằng hắn đã sử dụng các thủ thuật tâm lý để dụ dỗ nạn nhân tham gia trò chơi của mình. Hắn hướng vào những đối tượng chịu tổn thương tâm lý nặng nề nhất, tìm đến những người thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm và trao cho họ điều đó.

Ngoài ra, rất nhiều trong số các bạn trẻ tham gia chỉ là muốn thử cho biết cảm giác phiêu lưu mạo hiểm. Điều này bắt nguồn từ sự tò mò của các bạn tuổi teen cũng như cảm giác muốn thử những điều mới mẻ, không an toàn. Như tài khoản Anand Verma chia sẻ trên Quora: “Tôi đã thực hiện được một nửa thử thách B.W.C bởi vì nó nghe có vẻ thú vị và tôi đã tự thách thức bản thân mình. Thật may mắn là tôi chỉ sử dụng thông tin giả thôi nên tôi đã từ chối yêu cầu tự rạch tay mình mà không bị vấn đề gì”. Ở Tiền Giang, thử thách B.W.C được cho là đã xuất hiện ở huyện Cái Bè, nơi một số học sinh cấp Hai cùng nhau thử những thử thách ở cấp độ nhẹ.

Thế nhưng ngoài mối nguy người chơi tự gây ra cho bạn thân, những trò chơi này còn đe dọa an toàn của bạn khi bạn tiết lộ thông tin cá nhân. Cụ thể, nếu bạn từ chối một thử thách nào đó, bạn sẽ nhận được tin nhắn đe dọa và có thể bị tấn công bởi những người chơi khác. Điều này khiến người chơi một khi đã tham gia sẽ bị áp lực không còn đường quay lại ngoại trừ việc hoàn thành hết thử thách.

Tại sao những “trò chơi tự hại” trên mạng xã hội vẫn “dụ” được teen? ảnh 3

Làm thế nào để không trở thành con mồi của những kẻ bắt nạt qua mạng?

Trong thời đại MXH, cảm xúc trở nên dễ “lây lan”. Giống như việc bạn lên Facebook đầu ngày và đọc được tin vui nào đó của thế giới bạn sẽ thấy bản thân lạc quan hơn, hay khi đọc chuyện buồn của một ai đó bạn cũng sẽ thấy lòng mình chùng xuống vài nhịp. Đó là lí do tại sao bạn cần luôn nhắc nhở mình tỉnh táo với những thông tin từ MXH:

- Hãy mạnh dạn nói “Không”, nói chuyện với bố mẹ hoặc cơ quan chức năng khi bạn bị đe dọa/gây áp lực qua MXH. Luôn nhớ rằng thứ duy nhất kẻ xấu điều khiển được chính là tâm lí của bạn!

- Đừng dễ dàng đưa thông tin cá nhân của mình cho bất kì ai hay trang web nào, nên ẩn những thông tin riêng tư trên các trang mạng xã hội.

- Nếu phát hiện thấy dấu hiệu tâm lí bất ổn, hãy đi tìm sự trợ giúp từ những chuyên gia, bác sĩ thực thụ. Đừng dựa dẫm vào các mối quan hệ bạn xây dựng thuần túy qua thế giới mạng.

Theo Trích HHT 1273
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Nhiều trường thay đổi kế hoạch vui Trung Thu để ủng hộ đồng bào vùng lũ
Hà Nội: Nhiều trường thay đổi kế hoạch vui Trung Thu để ủng hộ đồng bào vùng lũ
HHT - Tổ chức chương trình vui Trung Thu là hoạt động thường niên của nhiều trường học. Tuy nhiên, trong bối cảnh miền Bắc đang chịu nhiều thiệt hại do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra, hàng loạt trường học tại Hà Nội cũng như trên cả nước đã thông báo dừng hoạt động vui Trung Thu hoặc thay đổi hình thức tổ chức nhằm gây quỹ ủng hộ cho đồng bào gặp khó khăn.

Có thể bạn quan tâm

Các nghệ sĩ tích cực chuẩn bị nhu yếu phẩm, lên đường cứu trợ đồng bào miền Bắc

Các nghệ sĩ tích cực chuẩn bị nhu yếu phẩm, lên đường cứu trợ đồng bào miền Bắc

HHT - Bão số 3 đi qua, để lại hậu quả hết sức nặng nề cho bà con các tỉnh, thành miền Bắc. Trước nỗi khó khăn, mất mát của người dân, nhiều nghệ sĩ không chỉ ủng hộ qua số tài khoản do Ban Cứu trợ Trung ương kêu gọi, mà còn bắt đầu tổ chức những chuyến từ thiện, cứu trợ lương thực, thuốc men gửi đến các địa phương bị ngập lụt.