Thời thế thay đổi, thế hệ 2K còn "sống chết" vào đại học như 8X, 9X?

Thời thế thay đổi, thế hệ 2K còn "sống chết" vào đại học như 8X, 9X?
HHT - Với nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 10X, đại học, cao đẳng không phải con đường duy nhất dẫn đến thành công. Chuyện thi cử vì thế mà không còn quá áp lực như các thế hệ trước.

"Tụi trẻ giờ có chính kiến lắm! Một khi đã cho điều gì đúng thì ít khi nghe theo gia đình. Nhà mình có cô em út sinh năm 2000, dự thi THPT quốc gia vào năm ngoái. Mặc kệ bố mẹ, chị gái có khuyên nhủ thế nào, em cũng nhất định không đăng ký thi đại học. Thi tốt nghiệp xong, em xin đi học nghề liên quan đến làm đẹp", Phương (25 tuổi, Phú Thọ) nói với Báo. 

Thuộc lứa 9X đời giữa, Phương nhớ ngày trước thi đại học giống như "cuộc chiến sống còn".

"Một là thi đỗ trường top như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền... rồi lên Hà Nội học. Hai là ở quê đi làm công nhân xong lấy chồng, sinh con. Mình sợ viễn cảnh phải lập gia đình quá sớm nên quyết tâm học ngày, học đêm để thi đỗ. Vì quá căng sức, đến ngày cầm được giấy báo trên tay, mình sụt mất 6 kg", Phương nói.

Thời thế thay đổi, thế hệ 2K còn "sống chết" vào đại học như 8X, 9X? ảnh 1
Thế hệ 10X không đặt nặng việc thi cử như lứa 8X, 9X. Ảnh: Việt Hùng.

Ngày Dung - em gái Phương - bước vào kỳ thi, cha mẹ và chị gái lo lắng bao nhiêu, "nhân vật chính" lại cảm thấy thong thả bấy nhiêu.

Dung nói với gia đình: "Đại học đâu phải con đường duy nhất. Con học không tốt, có cố quá sau này cũng không đi đến đâu. Con muốn học nghề".

Cuối cùng, "trời không chịu đất thì đất phải chịu trời", Dung thi tốt nghiệp rồi đi học làm móng. Vài tháng sau, cô gái sinh năm 2000 khoe đã bắt đầu đi làm và kiếm được những đồng tiền đầu tiên. Thấy Dung thoải mái với lựa chọn của mình, gia đình cô cũng bớt lo lắng.

Dung không phải bạn trẻ duy nhất thuộc lứa 2K cho rằng việc thi đại học "không quá quan trọng".

Không vùi đầu vào sách vở. Không đặt nặng kết quả thi. Không coi đại học là cánh cửa duy nhất mở ra tương lai. Thế hệ 10X có nhiều lựa chọn khác. 

Họ chọn trường phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình, không quan trọng danh tiếng. Nhiều người xác định học nghề mới là con đường đầy hứa hẹn.

"Bố mẹ góp ý nên em đăng ký theo"

Tại kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Hoàng Phúc (18 tuổi, Lạng Sơn) đăng ký nguyện vọng 1 vào Đại học Phòng cháy Chữa cháy và nguyện vọng 2 vào Đại học Dược Hà Nội.

Nhớ lại khi kỳ thi quan trọng nhất 12 năm đèn sách chỉ còn cách hơn 2 tháng, Phúc vẫn chưa đưa ra lựa chọn cho tương lai của mình.

"Em không đặc biệt thích ngành nào hay trường nào cả. Bố mẹ và chị em góp ý thi vào Đại học Phòng cháy Chữa cháy nên em đăng ký theo", Phúc nói. 

Lớp 12, Hoàng Phúc đạt danh hiệu học sinh giỏi và khá tự tin khi đăng ký xét tuyển đại học bằng tổ hợp A00.

Bắt đầu từ học kỳ 2, Phúc mới đi học thêm theo lời khuyên của gia đình. Từ việc mua, điền hồ sơ tới đi nộp, chị gái Phúc đều thúc giục khi thấy em mình có vẻ "quá bình tĩnh".

"Điểm thi của em khá tốt và em đang chờ kết quả. Tất nhiên, đã mất công thi rồi thì em muốn đỗ. Nhưng nếu kết quả không như kỳ vọng, em nghĩ mình sẽ học tạm một trường không quá danh tiếng để sang năm thi lại. Gia đình cũng ủng hộ việc này", Phúc nói.

Nam sinh 18 tuổi nói thêm ở thành phố Lạng Sơn nơi mình sinh sống, nhiều bạn bè đồng trang lứa của cậu không đăng ký thi đại học. Họ chủ yếu học tiếng Trung để theo bố mẹ đi buôn bán qua cửa khẩu.

"Chị hàng xóm nhà em 12 năm học sinh giỏi nhưng năm ngoái không thi đại học. Chị ấy muốn kinh doanh nên giờ đang học làm spa ở Hải Phòng. Nhiều anh chị ở thành phố em học đại học, cao đẳng về vẫn học thêm tiếng Trung để có nhiều cơ hội việc làm hơn", Phúc cho biết.

Thời thế thay đổi, thế hệ 2K còn "sống chết" vào đại học như 8X, 9X? ảnh 2
Nhiều sĩ tử 2K1 chọn trường theo nguyện vọng của phụ huynh. Ảnh: Quỳnh Trang.

Với kết quả THPT quốc gia khá khả quan, Nguyễn Quang Trung (18 tuổi, Thái Nguyên) tin rằng mình có nhiều cơ hội trúng tuyển Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội và Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên theo nguyện vọng đã đăng ký.

Tuy nhiên, mẹ nam sinh đang muốn hướng con trai học ngành Y. 10X nói đang suy nghĩ về gợi ý này. 

"Em không đặt nặng việc phải học trường nào. Với em, đại học cũng không phải con đường thành công duy nhất. Giờ em vẫn trong vòng tay bố mẹ chăm sóc nên em nghe theo góp ý của họ. Mục tiêu của em là cố gắng sau này có nghề nghiệp ổn định là được rồi", Trung nói.

Chàng trai cho hay tại trường cấp 3 mình theo học - THPT Bình Yên (Thái Nguyên), nhiều học sinh cuối cấp chỉ có nhu cầu đỗ tốt nghiệp, sau đó ra nước ngoài du học. Bởi vậy, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng không nhiều.

Từ chối học bổng du học

Tính đến hết tháng 5/2019, Ninh Quỳnh Anh, cựu học sinh lớp 12 Anh, trường THPT chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai được nhận vào 11 trường đại học: 10 trường ở Mỹ, một trường tại Nhật Bản.

Trong số này, 10 trường cấp học bổng cho nữ sinh, cao nhất là Lebanon Valley College (Mỹ) với số tiền 4 tỷ đồng cho 4 năm học.

Nhờ thành tích này, Ninh Quỳnh Anh được mệnh danh là "con nhà người ta". Tuy nhiên, chia sẻ với Báo, nữ sinh Lào Cai cho biết mình sẽ không du học.

Thời thế thay đổi, thế hệ 2K còn "sống chết" vào đại học như 8X, 9X? ảnh 3
Ninh Quỳnh Anh trúng tuyển 11 trường đại học tại Mỹ và Nhật Bản, nhưng chọn học ở Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Cô gái 18 tuổi dự định theo học tại Đại học Fulbright Việt Nam, nơi cô nhận được học bổng 90% cho tiền học phí và chi phí ăn ở trong 4 năm học.

Giải thích về sự lựa chọn của mình, Quỳnh Anh nói mặc dù được các trường đại học Mỹ trao những suất học bổng khá lớn, khoản tiền còn lại cô phải chi trả ngoài tiền học phí như ăn ở, bảo hiểm... vẫn là quá lớn với điều kiện tài chính của gia đình.

"Vì vậy, lựa chọn một trường đại học trong nước sẽ khả thi hơn", Quỳnh Anh chia sẻ.

Nữ sinh nói thêm cô thấy ĐH Fulbright được xây dựng dựa theo hệ thống giáo dục của Mỹ. Bởi vậy, 10X tin việc học ở trường sẽ có thể phát triển bản thân trong môi trường quốc tế với các phương pháp giảng dạy, mô hình học tập tiên tiến.

Về ngành học dự định theo đuổi, Quỳnh Anh cho biết cô quan tâm đến nhiều vấn đề như kinh doanh, bảo vệ môi trường và hoạt động truyền thông.

Trong tương lai, khi có điều kiện hơn, Quỳnh Anh nói cô sẽ hoàn thành ước mơ đi du học còn dang dở.

"Có cố đi học cũng không vào"

Lê Hải Đăng (18 tuổi, Hà Tĩnh) cho biết ở trường THPT Lý Chính Thắng cậu theo học, không nhiều học sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Đăng là một trong số đó. 

"Em học không tốt nên sớm đã xác định không thi đại học. Nhiều bạn ở trường em vào kỳ nghỉ hè thường ra thành phố Vinh hay thủ đô Hà Nội làm thêm nghề bảo vệ, phục vụ trong hàng quán ăn. Họ cũng sớm xác định đi học nghề sau khi tốt nghiệp vì thấy lựa chọn này có tương lai hơn", Đăng nói.

Chàng trai 18 tuổi nói cậu không bất ngờ khi nhận kết quả thi, trong đó môn tiếng Anh chỉ đạt 2,2 điểm. Trước đó, ngay sau khi thi xong, nam sinh cùng 4 bạn học đã ra Hà Nội xin làm công nhân.

"Gia đình khuyên em đi học tiếp vì giờ có nhiều trường chỉ cần xét học bạ. Nhưng em nghĩ mình có cố đi học cũng không vào. Trước mắt, em muốn đi làm một số công việc để xem mình phù hợp làm gì. Khoảng một năm sau đó, em sẽ đăng ký học trường nghề", Đăng nói. 

Cùng quan điểm với Lê Hải Đăng, Phạm Tuấn Minh (18 tuổi, Yên Bái) cũng cho rằng đại học không còn là con đường duy nhất để sau này có thể làm việc.

Theo cậu, các hướng đi như làm công nhân, học trường nghề hay kinh doanh theo đam mê… có thể giúp bản thân trưởng thành và thành công theo cách riêng.

"Lợi thế của thế hệ 2K chúng em là sớm có cơ hội tiếp cận công nghệ. Các ngành nghề giờ mở hơn, không yêu cầu bằng đại học khắt khe như trước mà cần kỹ năng mềm của mình trong cuộc sống nhiều hơn. Em nghĩ cũng phải có người học văn hóa, người học nghề chứ ai cũng đua nhau đi học đại học thì khó cạnh tranh việc làm", Minh cho hay.

Ngày 24/4, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết theo thống kê số liệu sơ bộ của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2019 có gần 74% thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Như vậy, hơn 230.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học năm nay.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2018, trong tổng số gần 926.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, số thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp, không lựa chọn đại học là hơn 237.000, tăng 5,2% so với năm trước.

Theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ thí sinh từ chối đăng ký đại học là tín hiệu đáng mừng, cho thấy phần nào đánh giá về bằng cấp đã thay đổi. Việc thay đổi nhận thức thi THPT quốc gia là chuyển biến tốt cho chính học sinh và thị trường lao động.

Theo news.zing.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn

HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.