20 điểm đỗ Bách Khoa, Kinh tế quốc dân
PGS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết đề thi các môn liên quan tới các tổ hợp xét tuyển truyền thống A, A1, D1 năm nay được thí sinh (TS) đánh giá là dễ hơn năm ngoái, nên nhiều em lo ngại về khả năng điểm chuẩn sẽ nhích lên một chút. Phán đoán này cũng có cơ sở, tuy nhiên TS cũng không nên quá lo lắng vì sẽ có sự tăng giảm không đều giữa các ngành.
Một đặc điểm của kỳ tuyển sinh ĐH mà TS cần lưu ý là điểm trúng tuyển sẽ không có đột biến như kiểu tuyển sinh lớp 10. “Có thể điểm chuẩn sẽ tăng ở một số ngành hot, nếu TS không có chiến thuật đặt nguyện vọng (NV) khôn ngoan thì có thể điểm cao vẫn trượt ĐH. Đây là khuyến nghị dành cho TS sau khi đã biết điểm thi: khi điều chỉnh NV, cần có sự sắp xếp hợp lý hơn mới đảm bảo việc đỗ vào ngành hoặc trường mà mình yêu thích”, PGS Triệu nhận định.
Theo PGS Triệu, thông thường TS sẽ tập trung đặt NV cao nhất vào các ngành nóng, do đó sẽ đẩy điểm chuẩn các ngành này lên rất cao, trong khi có số ngành điểm vẫn thấp. Theo ông Triệu, khoảng cách điểm chuẩn giữa ngành thấp nhất với ngành cao nhất trong một trường sẽ xa hơn năm ngoái. Năm ngoái, điểm chuẩn ngành thấp nhất của trường là 20,5 điểm. Năm nay khả năng 20 điểm đã có thể đỗ, do có 10 mã ngành mới.
PGS Triệu cũng cho biết, các ngành được xem là nóng của Trường ĐH Kinh tế quốc dân những năm gần đây có kế toán, quản trị kinh doanh, marketing, kinh tế quốc tế, kinh doanh quốc tế, khách sạn... nên nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ tăng mạnh. “Thậm chí có ngành điểm chuẩn lên đến 2 điểm. Những ngành này năm ngoái khoảng 24 điểm mới đỗ, năm nay dễ mà bị đẩy lên 25 - 26. Sẽ không có ngành nào lên đến 27”, PGS Triệu nói.
Điểm chuẩn sẽ tăng
PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Điểm chuẩn năm nay sẽ nằm ở giữa mức bình quân của 2 năm 2017 - 2018. Đề dễ thì điểm cao hơn nên điểm chuẩn sẽ tăng. Nhưng điểm chuẩn không chỉ phụ thuộc vào phổ điểm mà còn dựa vào xu hướng đăng ký xét tuyển NV của TS. Do đó, sẽ có hiện tượng ngay tại một trường, một số ngành điểm chuẩn tăng, trong khi một số ngành điểm chuẩn vẫn như năm ngoái, thậm chí giảm”.
Theo dự đoán của PGS Tớp, điểm chuẩn các ngành tốp trên sẽ giữ ở mức cao tương đương năm ngoái hoặc cao hơn một chút. Ví dụ với riêng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các mã ngành trong lĩnh vực công nghệ thông tin, năm nay điểm chuẩn sẽ rất cao, khoảng 26 điểm.
PGS Tớp giải thích điểm chuẩn bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Chẳng hạn, năm ngoái nhiều ngành của trường giữ mức 20. Nếu năm nay cũng những ngành này mà trường tuyển đủ chỉ tiêu, thì cũng phải lấy xuống đến 20.
PTS Tớp còn chia sẻ: “Vừa rồi có TS thi xong hỏi làm bài chỉ được khoảng 20 điểm, nhưng muốn học ngành ô tô, liệu có đỗ không? Tôi khuyên em ấy cứ mạnh dạn đăng ký NV1 vào ngành ô tô, nhưng phải đặt NV2 vào ngay khoa học vật liệu. Vì năm ngoái ngành ô tô điểm chuẩn 21, nên năm nay khó xuống 20”.
PGS Lê Thu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cũng nhận định dù đề thi được xem là dễ thở hơn so với năm ngoái, nhưng số lượng TS ở nhóm điểm rất cao tăng không đáng kể, vì thế khó đẩy điểm chuẩn lên quá cao như năm 2017, nhưng chắc chắn không thể thấp hơn 2018. “Dao động điểm chuẩn chủ yếu ở các nhóm trường tốp giữa, vì đề dễ hơn sẽ khiến cho số lượng TS đạt mức 17 - 20 sẽ tăng mạnh”, PGS Thủy nói.
Điểm chuẩn không tăng nhiều ở ngành “nóng”
Năm nay, đề thi dễ hơn nên điểm chuẩn ĐH nhiều ngành được dự báo sẽ tăng hơn năm 2018. Tuy nhiên, đại diện các trường tốp trên cho rằng điểm chuẩn các ngành “nóng” sẽ không tăng nhiều.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhìn nhận đề thi năm nay được đánh giá dễ hơn năm ngoái nhưng thực ra vẫn có độ phân hóa. Mức độ phân hóa của đề thi nằm ở khoảng điểm từ 8 trở lên và đây là điểm khác biệt so với đề thi thiếu sự phân hóa như năm 2017. Nếu như năm 2017, dựa vào điểm số, các trường sẽ không phân biệt được TS khá giỏi và rất giỏi thì năm nay sẽ có khoảng lệch giữa TS điểm 7 - 8 và trên 8.
Từ sự phân tích này, ông Khôi cho rằng, việc phân hóa nếu diễn ra đúng xu hướng này thì điểm chuẩn các ngành cao nhất sẽ không cao như năm 2017, nhưng có thể sẽ tăng hơn năm ngoái vì đề thi năm ngoái được đánh giá khó hơn.
Năm 2017 điểm chuẩn ngành y khoa lên tới 29,25 điểm nhưng năm 2018 chỉ còn 24,95 và ngành thấp nhất là y tế công cộng lấy 18 điểm.
Trong khi đó, điểm chuẩn dự kiến vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có thể tăng ở mức độ khác nhau tùy theo ngành.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo, cho biết chưa tính tới việc phổ điểm thi của TS năm nay có thể tăng thì bản thân cách thức xét tuyển của trường năm nay có một số điểm đáng lưu ý. Cụ thể tổng chỉ tiêu năm nay của trường chỉ còn 70% cho xét tuyển kết quả thi (30% chỉ tiêu đã dành cho xét tuyển thẳng). Trong khi tổng số lượng NVTS đăng ký vào trường năm nay, cả số lượng 3 NV đầu đều khá cao. Trên cơ sở này, có thể điểm chuẩn vào trường năm nay sẽ tăng.
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Đương, mức độ tăng này có thể sẽ khác nhau tùy ngành. Năm nay trường tuyển sinh theo từng ngành cụ thể, tỷ lệ “chọi” các ngành cũng ở mức khác nhau, có ngành tỷ lệ này là 1/10 nhưng có ngành chỉ ở mức 1/2... Điểm chuẩn các ngành của trường này năm ngoái từ 17,5 đến 22,8 điểm.
Còn theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, năm nay trường chỉ còn tối đa 60% chỉ tiêu để xét tuyển kết quả thi THPT quốc gia. Trường đã xét TS bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi các trường chuyên. Những TS đã trúng tuyển bằng các phương thức trên đa số đều có học lực khá giỏi và nếu xác nhận nhập học thì sẽ không còn tên trong đợt xét tuyển kết quả thi. Do vậy, theo ông Thắng, điểm chuẩn các ngành của trường năm nay chắc chắn không giảm nhưng có thể không tăng đột biến nếu so với năm trước.
Năm 2018, điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM dao động từ 17 - 23,25.