Với quy định của dự thảo Thông tư, tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển một cách công bằng dựa trên thang điểm chung và một điểm chuẩn trúng tuyển chung, cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự sẽ tăng lên và chất lượng đầu vào của các trường cũng tăng theo.
Các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động cạnh tranh tuyển được những thí sinh giỏi nhất, đồng thời các thí sinh có năng lực tốt nhất cũng vẫn có cơ hội trúng tuyển sớm để chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp nhất.
Đối với thí sinh, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau đã và đang chuẩn bị. Như vậy, các thí sinh có điểm IELTS, ACT/SAT, Đánh giá năng lực, Đánh giá tư duy... không bị ảnh hưởng.
(Ảnh minh họa từ Internet) |
Từ 2 năm nay, Bộ GD&ĐT đã cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT (học bạ) và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung. Như vậy, dự thảo không hạn chế bất kỳ phương thức xét tuyển nào của các trường.
Năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là giảm số môn thi (chỉ còn 4 môn gồm 2 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn). Các chuyên gia, nhà giáo nhận định, phương thức tuyển sinh đại học bằng điểm thi tốt nghiệp sẽ hạn chế các khối xét tuyển truyền thống do thí sinh chỉ được dự thi 2 môn lựa chọn. Việc xây dựng đề thi có có tính phân loại chưa cao cũng là một khó khăn lớn đối với công tác tuyển sinh năm 2025.
Để bảo đảm công bằng cho thí sinh và giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam kiến nghị Bộ GD&ĐT cần quy định về đánh giá chất lượng của các trường đại học theo kết quả học tập của sinh viên trong quá trình đào tạo và chuẩn “đầu ra” theo các phương thức tuyển sinh để kiểm soát chất lượng. Bộ GD&ĐT cần kiên quyết loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng “đầu vào” với ngành được đào tạo, yêu cầu các trường giải trình việc lựa chọn các tổ hợp môn học, các bài thi đánh giá năng lực của các kỳ thi riêng được sử dụng để xét tuyển; đồng thời, có quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển hợp lý, kiên quyết loại bỏ các tổ hợp "lạ" trong tuyển sinh.