Nhiều bạn trẻ có thói quen thức đến tận nửa đêm dù sáng hôm sau có lịch học tại trường. Việc làm này khiến cơ thể bị thiếu ngủ, gây mệt mỏi và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như gia tăng mụn trứng cá, rối loạn hormone, giảm sự phát triển chiều cao.
Việc thiếu ngủ còn dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như cholesterol cao, béo phì và trầm cảm. Với các triệu chứng như cảm lạnh, cúm và viêm dạ dày cũng thường xảy ra nhiều hơn với thanh thiếu niên ít ngủ.
Gia tăng mụn trứng cá
Khi thức khuya, cơ thể sẽ tăng tiết hormone cortisol gây ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến bã nhờn. Tình trạng này khiến lỗ chân lông dễ bị bít tắc và gia tăng mụn trứng cá. Khi hormone cortisol sản sinh quá mức cần thiết sẽ làm phá vỡ cân bằng và gây ra vấn đề về sức khỏe. Ngoài ra, sự mất cân bằng hormone còn gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt, béo phì, nhất là trong giai đoạn dậy thì.
Ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao
Giấc ngủ cực kỳ quan trọng, đây là thời gian mọi hoạt động phục hồi cơ thể sau một ngày bận rộn được diễn ra. Có một điều thú vị là khi ngủ cơ thể vẫn phát triển đều về chiều cao cũng như cân nặng.
Bình thường, sau mỗi đêm sẽ tăng chiều dài của cơ thể, tùy vào lứa tuổi, nghề nghiệp mà độ tăng khác nhau. Với lứa tuổi đang phát triển mỗi đêm sẽ tăng lên khoảng 0,2mm. Bởi thế nếu bạn có thói quen thức khuya, không để cho cơ thể nghỉ ngơi và thư giãn hoàn toàn thì chiều cao mãi không chịu tăng lên đâu nhé.
Dễ mắc bệnh hơn người ngủ đủ giấc
Theo Guardian, Kathryn Orzech - Chuyên gia nghiên cứu về giấc cho hay, họ đã theo dõi 56 thanh thiếu niên tuổi từ 14 đến 19 trong ba tháng. Họ được gắn thiết bị đặc biệt trên cổ tay để đo chuyển động (ghi nhận cả giấc ngủ). Kết quả cho thấy những người ngủ ít hơn 7 giờ một đêm có bệnh tật nhiều hơn.
Những rối loạn giấc ngủ do thức quá khuya có thể làm cho chúng ta quá mệt mỏi, cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn và chán nản.
Orzech gợi ý một cách để ngủ sớm là hạn chế sử dụng công nghệ và các thiết bị thông minh vào ban đêm. Dừng các hoạt động điện thoại, tài khoản facebook hay Instgram sẽ giúp bạn ngủ sớm hơn. "Việc giới hạn thời gian sử dụng công nghệ với một thiếu niên chưa bao giờ là dễ dàng cả, nhưng đây là điều bạn nên thử", Orzech nói.