Ngay khi được đăng tải, bài viết về 4 nhân viên phối hợp cùng bạn bè ở ngoài trộm số tiền gần 400 triệu VNĐ của shop L. đã lập tức chiếm sóng mạng xã hội. Trên mạng xã hội cũng thường xuyên xuất hiện những câu chuyện một số bạn trẻ trộm cắp, bom hàng của những người giao hàng.
YOLO = Mình thích thì mình làm thôi?
Theo N.T.L (cũng là chủ cửa hàng giày dép L.), 4 bạn nhân viên với độ tuổi 18, 19 đã biển thủ tiền của shop từ tháng 3/2019. Việc biển thủ đã được thực hiện thông qua việc không dán tem giá lên sản phẩm, tự ý lấy tiền cửa hàng để chi trả cho việc cá nhân, gian lận trong việc chốt hóa đơn cuối ngày, tự ý dùng giày của cửa hàng và đưa cho bạn bè… qua đó phạm tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tổng thiệt hại lên đến 400 triệu đồng.
Các bạn nhân viên của shop L. có vẻ sống theo tinh thần rất You Only Live Once: Sẵn sàng bỏ tiền triệu chăm sóc da mặt, mua hàng, làm đẹp bản thân… Các bạn trẻ lúc bom hàng cũng rất “Mình thích thì mình làm thôi”, không bận tâm tới sự khổ sở mà những người giao hàng phải hứng chịu.
Đồng ý rằng mình chỉ sống có một cuộc đời, mình nên làm những gì bản thân mong muốn. Nhưng đó không phải lý do cho việc lấy tiền người khác để thỏa mãn chính mình, coi thường công sức người khác, trễ hẹn, “lầy” deadline, bỏ ngang những dự án mình tham gia sau khi làm việc không lâu… Sống để không hối tiếc khác rất nhiều với sống vô trách nhiệm.
“Hồi xưa làm thủ quỹ cứ quen tay là lấy tiền của tập thể rồi nghĩ sẽ bù vào, cuối cùng cộng lại mới đớ người vì số tiền mình dùng quá lớn. Mình phải mượn nợ bố mẹ để bù vào tiền quỹ và cày việc nhà mấy tháng để trả nợ, chỉ vì thói buông thả của bản thân” - Ngọc Bích (Q.7, TP.HCM) chia sẻ.
Ta chỉ có một cuộc đời, sống sao cho không hoài phí!
“Hồi còn đi học, chuyện đi trễ, nộp bài rễ với mình khá là bình thường. Lúc lên Đại học, có lần mình nhây đến ngày cuối cùng mới làm bài, dẫn đến việc nộp trễ 30 phút. Cô giáo kiên quyết không nhận bài, đã thế còn “sạc” cho mình một trận vì tội không biết trân trọng thời gian của bản thân và của người khác. Bài kiểm tra bị điểm thấp ơi là thấp đó thực sự khiến tớ thấm thía mình đã vô kỉ luật đến thế nào suốt tháng năm qua” - H.Anh (sinh viên ĐHSP, TP.HCM).
“Mỗi lần làm việc nhóm với tớ là một lần áp lực, bởi hầu như lúc nào tớ cũng phải là người “gánh team”. Có nhiều bạn không liên lạc được suốt lúc làm bài, vậy mà cuối cùng vẫn phải ghi tên vào bài làm nhóm cho xong chuyện. Nhiều lúc thầy cô hỏi thích làm cá nhân hay làm nhóm hơn, tớ luôn chọn làm cá nhân và bị nhiều người bảo là không hòa đồng. Sao các bạn lại đánh đồng việc sống chan hòa với việc sống có trách nhiệm với bản thân nhỉ?” - Q.Anh (học sinh THPT NHH, Quận Thủ Đức) bức xúc.
Trách nhiệm luôn là tiêu chí đánh giá nhân viên hàng đầu của các công ty, tổ chức. Trách nhiệm của nhân viên là đảm bảo minh bạch trong tài chính. Trách nhiệm của tài xế là đảm bảo khách hàng đến nơi an toàn cũng như giữ cho tài sản của khách hàng an toàn. Trách nhiệm của một vị khách là mua hàng đúng như đơn đã đặt. Trách nhiệm của một người trưởng thành là biết nhận lỗi và tìm cách để sửa chữa việc mình làm tổn hại đến người khác.
“Việc bom hàng hoặc thậm chí là ăn cắp có thể không bị ai phát hiện, nhưng khi lớn lên và đi làm, hoặc chỉ cần bước chân vào giảng đường Đại học, khắp nơi đều yêu cầu phải có trách nhiệm. Đó là không chậm trễ, không né tránh làm việc nhóm gây ảnh hưởng đến người khác… Tớ đã bị la, bị trừ lương và chút nữa là bị đuổi việc để học những bài học mà theo sếp tớ nói là đáng lẽ phải thuộc lòng từ tấm bé” - H.Anh nói.
You Only Live Once nên được hiểu rằng - bạn chỉ có một cuộc đời, đừng để hoài phí nó khi liên tục sống vô trách nhiệm.
Bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất, chẳng hạn như đi đúng giờ, hoàn thành phần của mình trong bài làm nhóm…, hãy sống theo tinh thần YOLO đúng nghĩa, sống thật trách nhiệm bạn nhé!