1. Bạn phải có giọng như người bản xứ thì mới được điểm cao
Phát âm của bạn sẽ được đánh giá trong khi thi, nhưng không ai kỳ vọng bạn nói bằng giọng y như người bản xứ cả. Người chấm thi chủ yếu sẽ chú ý đến cách bạn phát âm các âm tiết, nhấn trọng âm và ngữ điệu mà thôi.
Để đảm bảo rằng mình phát âm đúng, mỗi khi học từ mới, bạn hãy tra và nghe luôn cách phát âm (trong các từ điển điện tử/ từ điển online đều có).
2. Đừng dùng những cấu trúc ngữ pháp phức tạp kẻo sai
Thực ra, bạn sẽ tạo ấn tượng tốt nếu dùng một số cấu trúc ngữ pháp phức tạp - bất chấp việc bạn có thể mắc một hai lỗi - hơn là chỉ dùng những câu rất ngắn và rất đơn giản (đến mức đơn điệu).
Chẳng hạn, một thí sinh chỉ nói những câu đơn cực ngắn thường sẽ nhận điểm thấp hơn là một thí sinh cố gắng dùng những câu điều kiện, câu gián tiếp, mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian… với một vài lỗi nhỏ. Nhưng tất nhiên là bạn nên dùng những cấu trúc ngữ pháp phức tạp phù hợp với nội dung mình đang nói.
3. Nếu bạn không biết câu trả lời cho một câu hỏi thì “toang”
Thực ra, đây lại là điều mà bạn không cần lo, vì bạn không bị chấm điểm kiến thức về các chủ đề được hỏi đến đâu. Người chấm thi muốn xem bạn nói thế nào, chứ không phải là bạn nói cái gì, cho nên đừng băn khoăn là mình đưa ra câu trả lời đúng hay sai. Chẳng hạn, bạn nhận được câu hỏi “Trẻ em ở đất nước bạn thường giải trí bằng những cách nào?”, và bạn thực sự chẳng biết trẻ em thường giải trí ra sao, thì bạn có thể trả lời rằng bạn không biết chính xác về số đông trẻ em, nhưng bạn và một vài người bạn thân khi còn nhỏ thì có những hoạt động giải trí thế này thế kia…
Tóm lại, bạn chỉ cần chứng tỏ rằng bạn hiểu câu hỏi, có thể đưa ra các ý tưởng để trả lời là được rồi. Bạn cũng có thể giải thích lý do mà bạn không biết câu trả lời chính xác. Đừng sợ sai!
4. Nếu nói không ngập ngừng thì mới tạo được ấn tượng tốt
Tất nhiên việc nói trôi chảy là quan trọng, nhưng nói mạch lạc, có logic cũng quan trọng không kém. Chứ nếu nói không vấp ở đâu nhưng nói không hề hợp lý thì bạn chỉ được cái nói trôi chảy thôi, chứ nội dung nói thì… lung tung, dẫn đến ấn tượng chung cũng không tốt.
Khi nói tiếng Việt, thỉnh thoảng bạn có ngập ngừng không? Tất nhiên là có. Nên khi thi nói IELTS, thỉnh thoảng bạn hơi ngập ngừng một chút cũng không sao. Làm gì có ai nói liền tù tì mà không nghĩ cũng chẳng thở cơ chứ! Để có thể nghĩ ngợi một chút, bạn có thể dùng một vài từ/ cụm từ như “wait a second…” (xin đợi một giây), “to put it differently…” (nói cách khác)… là được.