Theo các tổ chức y tế, mỗi người đều nên giới hạn lượng đường nạp vào cơ thể mỗi ngày, cụ thể là 25 gram đối với nữ và 36 gram đối với nam, mặc định là người trưởng thành có tình trạng sức khỏe bình thường. Thế nhưng có một số món ăn "tưởng không ngọt hóa ra rất ngọt", vì chúng chứa nhiều đường hơn bạn tưởng. Vì vậy, bạn hãy cân nhắc khi ăn, nhất là nếu đang ăn theo chế độ giảm/ không đường nhé!
1. Sinh tố
Sinh tố mua ở các quán đồ uống thường được làm ngọt bằng đường hoặc xi-rô. Đôi khi, một cốc sinh tố lớn chứa đến 20 gram đường hoặc hơn. Vậy nên nếu muốn uống sinh tố lành mạnh thì tốt nhất là chúng ta tự làm ở nhà.
Ảnh: Depositphotos.com. |
2. Sữa chua ít béo
Thực phẩm ít béo nghe có vẻ lành mạnh và dễ "đánh lừa" những khách hàng đang theo các chế độ ăn nhất định. Tuy nhiên, sữa chua ít béo không có nghĩa là ít đường. Một hộp sữa chua ít béo có thể có đến 12 gram đường hoặc hơn. Tại sao sữa chua ít béo lại thường có nhiều đường? Lý do là vì chúng có ít chất béo nên các nhà sản xuất phải thêm đường vào để người ăn thấy ngon hơn.
Ảnh: Pexels.com; VictorLinares/ Imgur. |
3. Nước xốt salad không béo
Tương tự sữa chua, nước xốt salad ít béo, ít calo lại chứa lượng đường nhiều hơn. 2 muỗng canh nước xốt salad loại này có thể chứa 7 - 10 gram đường.
Ảnh: Depositphotos.com. |
4. Tương cà
Tương cà đóng chai là một trong những loại gia vị phổ biến nhất trên thế giới. Chúng được cho vào bánh mỳ, làm nước sốt trong nhiều món ăn, được dùng để chấm khoai tây chiên, thịt nướng... Tuy nhiên, ăn một muỗng canh tương cà cũng giống như cho cả một viên đường vào miệng.
Có khoảng 4 gram đường trong mỗi muỗng canh tương cà (ketchup). Ảnh: Unsplash.com. |
5. Bơ lạc (bơ đậu phộng)
Mặc dù các loại bơ đậu phộng tự nhiên chứa ít hoặc không chứa đường, nhưng nhiều loại bơ đậu phộng lại được thêm đường để người tiêu dùng dễ ăn hơn. Thế là một loại bơ tưởng tốt cho sức khỏe lại thành có hại. Một số thương hiệu phổ biến có thể thêm tới 8 gam đường cho mỗi 2 muỗng bơ. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên đọc nhãn thành phần của bơ đậu phộng để lựa chọn loại phù hợp với mình.
Ảnh: Depositphotos.com. |
6. Bắp cải trộn và salad nói chung
Những tô salad ở các quán ăn có thể hấp dẫn bất kỳ thực khách nào vì có nhiều loại rau củ đẹp mắt, có vị ngon, dường như lại rất tốt cho sức khỏe nữa. Việc ăn nhiều rau thì đúng là tốt thật, nhưng salad ngoài quán thường được trộn cùng rất nhiều mayonnaise và các loại nước sốt nhiều đường khác (để ngon hơn), nên cuối cùng thì món đó cũng không hẳn lành mạnh như bạn tưởng.
Ảnh: Havefundiscovering/ Reddit. |
7. Hoa quả sấy khô
Trái cây sấy khô được coi là món ăn nhẹ tốt cho sức khỏe, lại còn dễ ăn vì không phải... rửa hoặc gọt vỏ. Tuy nhiên, trái cây khi được sấy cho hết nước thì đường của chúng "cô đặc" lại trong những "vỏ bọc" nhỏ hơn (chính là trái cây đã khô). Và sự không lành mạnh ở đây là do khi ăn trái cây khô, chúng ta có xu hướng ăn nhiều, ví dụ bạn có thể không ăn 5 quả chuối tươi cùng lúc nhưng lại hoàn toàn có thể ăn 5 quả chuối sấy khô, từ đó vô tình nạp nhiều đường vào cơ thể.
Ảnh: Unsplash.com. |