Bàn chải, khăn tắm, đồ lót… dùng bao nhiêu lâu thì bạn phải thay một lần?

Bàn chải, khăn tắm, đồ lót… dùng bao nhiêu lâu thì bạn phải thay một lần?
HHT - Một trong những cách đơn giản để phòng tránh bệnh tật chính là thường xuyên thay và làm vệ sinh những món đồ mà bạn dùng mỗi ngày.

Tất cả những thứ bạn dùng hàng ngày này có thể… bẩn hơn bạn tưởng, vì vậy, bạn nên thay và làm sạch chúng theo lịch sau nhé:

1. Quần chíp

Một cuộc thống kê lớn cho biết hơn 25% số nam giới và 7% nữ giới mặc quần chíp hai ngày mới thay một lần. Mà quần chíp chứa rất nhiều vi khuẩn có thể gây viêm nhiễm đường tiểu, viêm phổi và thậm chí nhiễm trùng máu. Đó là chưa kể đến vi khuẩn E-coli và nấm.

Đúng ra, với quần chíp, bạn nên thay hàng ngày - không có ngoại lệ. Và quần chíp dùng 1 - 2 năm thì nên bỏ và thay hẳn chiếc mới.

Quần chíp cần được thay hàng ngày, giặt thật kỹ, phơi ngoài nắng.

2. Quần áo ngủ

Theo thống kê với những người ở tuổi 17 đến 20, thì nam giới trung bình mặc đồ ngủ 13 đêm còn nữ giới là 17 đêm mới bỏ ra giặt, vì nghĩ chỉ mặc đi ngủ thì không bẩn! Thực tế, đồ ngủ là thứ mặc sát vào da, mà chúng ta thì "rụng" nhiều tế bào da chết, kèm theo vi khuẩn, với tốc độ rất nhanh. Thường thì những tế bào này là vô hại, nhưng đôi khi, ở những vị trí nhất định, chúng có thể gây rắc rối. Ví dụ, vi khuẩn E-coli nếu đi vào đường tiểu có thể gây ra bệnh viêm tiết niệu.

Đồ mặc sát trong người suốt cả ngày thì 2 - 3 ngày phải thay một lần. Đồ ngủ chỉ mặc buổi đêm thì ít nhất một tuần cũng phải thay một lần nhé.

Đồ ngủ dù chỉ mặc đi ngủ nhưng cũng bẩn hơn bạn tưởng đấy.

3. Khăn lau bát đĩa

Khăn lau bát có thể nhanh chóng nhiễm khuẩn ở mức độ đáng kể, bao gồm cả những vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng vi khuẩn nguy hiểm salmonella phát triển tốt trên các loại vải – kể cả sau khi đã được giặt.

Khăn lau bát cần được thay hàng ngày, và không dùng để lau tay. Nó cũng cần được giặt riêng chứ không giặt cùng các giẻ lau khác.

Khăn lau bát đĩa là nguồn lây bệnh mà nhiều người không nghĩ tới.

4. Khăn tắm

Khăn tắm "thu  nhận" các tế bào da chết và vi khuẩn tự nhiên từ cơ thể chúng ta. Môi trường nóng ẩm của khăn tắm càng giúp các vi khuẩn này phát triển mạnh. Nên, dù bạn nghĩ rằng khăn tắm sạch vì toàn lau người lúc đã tắm xong, thì nó vẫn cần được giặt sau 3 - 4 lần sử dụng.

5. Tấm trải giường

Tấm trải giường có rất nhiều tế bào da chết, vi khuẩn, bụi bặm từ cơ thể. Cũng giống như khăn tắm, môi trường nóng ẩm của tấm trải giường cũng rất lý tưởng để "nuôi nấng" vi khuẩn, bào tử nấm, ít nhất cũng gây ra phản ứng dị ứng.

Mỗi buổi sáng, bạn nên gấp gọn chăn để giường được thoáng. Nếu thời tiết tốt và trời khô ráo thì bạn nên mở cửa sổ để giảm hơi ẩm trong phòng ngủ; và thay tấm trải giường mỗi 1-2 tuần nhé.

Khăn tắm và tấm trải giường mà ít được giặt, thì dễ thành “ổ vi khuẩn”.

6. Chăn và gối

Khoảng 45% chúng ta chẳng bao giờ giặt chăn và gối, mặc dù một cái gối mà để hai năm thì những tế bào da chết và vi khuẩn, bụi bẩn sẽ chiếm đến… 1/3 trọng lượng của gối! Tất cả những thứ này có thể dẫn tới bệnh dị ứng, viêm mắt, viêm mũi…

Chăn thì bạn nên giặt vài tháng một lần. Gối thì thường xuyên hơn, 1 - 2 tuần là bạn nên giặt vỏ gối một lần, và 2 - 3 năm nên thay ruột gối một lần nhé!

Nếu có chỗ để phơi ruột gối dưới ánh nắng thì bạn rất nên làm.

7. Bàn chải đánh răng

Một cái bàn chải răng trung bình chứa 10 triệu vi khuẩn và virus, bao gồm cả virus gây cảm cúm, virus Hepatitis C gây viêm gan. Cho nên dùng chung bàn chải đánh răng là TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC!

Bàn chải đánh răng cần được thay mỗi 3 tháng, hoặc sau khi bị ốm (trừ phi bạn có cách diệt khuẩn cho nó). Ngoài ra, bạn cũng cần rửa thật sạch bàn chải, hong khô và cất trong tủ kín. Nếu bàn chải chỉ được cắm vào cốc trong phòng tắm, hãy để cách xa bồn rửa tay và toilet nhé.

Sau mỗi lần dùng, bạn cần rửa đầu bàn chải thật kỹ, vẩy khô, để dựng lên cho khô tự nhiên. Mỗi tháng một lần, bạn nên ngâm bàn chải 5 phút trong nước nóng sôi cho sạch.

Ngâm bàn chải vào cốc dấm trắng trong 15 phút rồi rửa lại cũng là cách để diệt khuẩn cho bàn chải đấy.

Ngoài ra, tất cả những đồ dùng sau khi giặt sạch đều nên được phơi ngoài nắng gió cho khô nhé. Ánh Mặt Trời chính là “tia tiêu diệt vi khuẩn” tự nhiên và không tốn kém mà.

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG
Khơi gợi cảm hứng viết văn với "Con Đường Văn Sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
Khơi gợi cảm hứng viết văn với "Con Đường Văn Sĩ" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
HHT - Có một điều thú vị ở nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mà những người yêu viết láchcó thể học hỏi, chính là việc ông rất chăm viết nhật ký. Bằng việc suy tư và chăm ghi chép lại những điều diễn ra xung quanh mình, Nguyễn Huy Tưởng dần tìm ra những quan niệm về nhân sinh, để đưa vào các tác phẩm do ông sáng tác. 

Có thể bạn quan tâm