Sau khi Luật BHYT được ban hành năm 2008, số người tham gia BHYT liên tục tăng. Năm 2009, tỷ lệ người dân tham gia BHYT chỉ đạt 57% tổng dân số, tới năm 2015 tỷ lệ này đạt gần 75%, tới giữa năm 2023 đã đạt gần 92% (gần 91 triệu người tham gia BHYT).
Cùng số người tham gia BHYT tăng, quyền lợi về BHYT của người dân cũng mở rộng, số người bệnh được BHYT thanh toán cũng không ngừng tăng. Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, những năm gần đây, bình quân chi quỹ BHYT trên 100.000 tỷ đồng tiền KCB. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có gần 83 triệu lượt người KCB BHYT, tổng thanh toán trên 57.000 tỷ đồng.
Quỹ BHYT đang góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cũng như chia sẻ gánh nặng với người dân trong chăm sóc sức khoẻ, chi phí điều trị bệnh, đặc biệt với người bệnh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT lên đến hàng tỷ đồng.
Để đạt được những kết quả tích cực trên, thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn chủ động, tích cực phối hợp cùng ngành Y tế trong xây dựng và triển khai chính sách BHYT. Kịp thời có những giải pháp hiệu quả trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách BHYT.
BHXH Việt Nam đã và đang chủ động phối hợp với ngành Y tế trong xây dựng, sửa đổi quy định, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi quy định, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt liên quan tới đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế; tham gia tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, đặt.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về tổ chức KCB và thanh toán BHYT; tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT và các cơ sở KCB.
BHXH Việt Nam đã góp phần quan trọng giúp Bộ Y tế theo dõi, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT theo quy định, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT. Qua hệ thống quản lý điện tử, các cơ sở KCB ngày một tuân thủ tốt hơn các quy định của Bộ Y tế, đồng thời đảm bảo minh bạch, ngăn chặn trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT. Nếu năm 2017 số chi phí KCB giảm trừ là 2.584 tỷ đồng, năm 2021 giảm trừ hơn 1.414 tỷ đồng, đến năm 2022 còn 955 tỷ đồng.
Cơ quan BHXH cũng tham gia hội đồng đấu thầu mua sắm thuốc từ trung ương đến địa phương, góp phần giám sát và tiết kiệm chi phí nhờ giảm giá thuốc, vật tư qua đấu thầu.
![]() |
Cải cách thủ tục KCB BHYT
BHXH Việt Nam đã phối hợp hiệu quả với ngành Y tế trong triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp, thẻ BHYT điện tử trên ứng dụng VssID để thay thẻ BHYT giấy trong làm thủ tục KCB BHYT. Bước đầu ứng dụng sinh trắc học tại cơ sở KCB để đảm bảo xác minh chính xác người KCB BHYT, qua đó đơn giản hoá thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân và bệnh viện. Cung cấp, chia sẻ dữ liệu người tham gia BHYT, KCB BHYT nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về sức khỏe người dân.
Trong tháng 12/2022, BHXH Việt Nam đã cấp đủ kinh phí KCB BHYT vượt tổng mức thanh toán trong phạm vi dự toán giao năm 2021 cho BHXH tỉnh theo số liệu đã giám định. BHXH tỉnh đã thực hiện thanh toán cho cơ sở KCB BHYT.
Số tiền vượt dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021 của 5 tỉnh Hà Tĩnh; Ninh Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, BHXH Việt Nam đã báo cáo xin ý kiến Hội đồng quản lý thông qua để trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung.
BHXH Việt Nam cũng tích cực tìm giải pháp và đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết chi phí tồn chưa đủ điều kiện thanh toán trong các năm từ 2020 trở về trước. Tổng số tiền đã tổng hợp báo cáo Kiểm toán Nhà nước tháng 12/2022 là
2.128 tỷ đồng, trong đó thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế là 170 tỷ đồng. Đây chủ yếu là các chi phí vượt dự toán Thủ tướng giao. Đến nay, BHXH Việt Nam đã cơ bản thực hiện rà soát, thẩm định xong để báo cáo Hội đồng quản lý, trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung chi phí vượt dự toán nêu trên.
Với mục tiêu đặt quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia BHYT lên hàng đầu, thời gian qua, BHXH Việt Nam và ngành Y tế đã đồng thuận, thống nhất và quyết tâm cao trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT với mục tiêu phát triển bền vững BHYT toàn dân. Thời gian tới, với việc sửa đổi Luật BHYT, sự phối hợp chặt chẽ của 2 ngành sẽ đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT và khả năng cân đối, phát triển bền vững của quỹ BHYT.