Ngay từ khi những hình ảnh đầu tiên về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được công bố, giới trẻ nói riêng và cư dân mạng nói chung đã ngỡ ngàng trước quy mô "siêu khủng" của nơi này.
Bảo tàng đã được thi công từ năm 2019, với tổng diện tích lên tới 386.600m2. Thế nên, các Gen Z ngoài chuẩn bị một tâm thế ham học hỏi còn phải chuẩn bị một thể lực tốt để có thể tham quan hơn 150.000 hiện vật tại bảo tàng đó!
Tháp Chiến thắng (ở vị trí trung tâm) nhìn từ xa. (Ảnh: Báo Tiền Phong). |
Điểm đầu tiên các bạn trẻ không thể bỏ lỡ chính là tòa tháp Chiến thắng cao tới 45m, tượng trưng cho năm 1945 khi đất nước ta giành được độc lập. Tòa tháp hùng vĩ có phần đế hình ngũ giác, thể hiện 5 giai cấp Xã hội chủ nghĩa là: Công nhân, nông dân, tri thức, quân nhân và doanh nhân.
Phần thân tháp được xây dựng tầng tầng lớp hàm ý những thế hệ ông cha ta đã anh dũng hi sinh để giữ vững nền độc lập, giữ vững lá cờ đỏ sao vàng - được khắc trên đỉnh tháp.
Cánh bên phải, trái của tòa tháp là khu trưng bày các hiện vật ngoài trời. Nếu như bên phải trưng bày những hiện vật ta thu được của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong chiến tranh, thì bên trái tòa nhà là các vũ khí mà quân đội ta đã sử dụng trong hai cuộc kháng chiến bao gồm xe tăng, máy bay, tên lửa...
Bên ngoài khu vực tham quan cũng xây dựng những biểu tượng ý nghĩa gồm xác máy bay và gương phản chiếu, tượng trưng cho tình yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh về khu vực trưng bày bên ngoài tòa nhà. (Ảnh: Báo Tiền Phong) |
Bảo tàng đã áp dụng nhiều phương pháp trưng bày mới như công nghệ sa bàn 3D mapping, có các thiết bị màn hình tra cứu thông tin, thuyết minh tự động audioguide hay mã QR tra cứu thông tin hiện vật.
Vậy nên, mỗi góc của bảo tàng đều sẽ khiến khách tham quan ấn tượng về sự hiện đại cũng như mang đến cho khách tham quan cảm giác chân thực nhất, như sống lại những ký ức lịch sử oai hùng của dân tộc.
Một vài hình ảnh về không gian bên trong bảo tàng. (Ảnh: Báo Tiền phong) |
150.000 hiện vật của bảo tàng sẽ được phân chia theo 6 chủ đề để khách tham quan trải nghiệm được chọn vẹn cả chiều dài lịch sử. Các chủ đề gồm có: Buổi đầu dựng nước và giữ nước từ năm 700 TCN - 938; Bảo vệ nền độc lập từ năm 939 đến năm 1858; Chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc năm 1858 - 1945; Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược năm 1945 - 1954; Cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1954 - 1975; và xây dựng và bảo vệ đất nước từ 1976 đến nay.
Nhiều trận đấu oanh liệt của dân tộc ta được tái hiện qua những sa bàn vô cùng chi tiết như trận Bạch Đằng năm 938, hay phục dựng lại những vũ khí đã lưu danh sử sách như nỏ Liên Châu thời vua An Dương Vương, những bối cảnh trước đây như Hà Nội thời kháng chiến...
Bảo tàng phục dựng lại hình ảnh Hà Nội năm 1946 - cũng là bối cảnh của bộ phim Đào, phở và piano đình đám được chiếu đầu năm nay. (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân điện tử). |
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam còn gây chú ý khi là nơi trưng bày 4 Bảo vật quốc gia gắn với từng dấu mốc quan trọng của lịch sử dân tộc ta. Đâu cũng là một trong những khu vực được nhiều bạn trẻ ngóng đợi được xem trực tiếp khi tới bảo tàng.
Ngay ở sảnh chính, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng chiếc "Én bạc" MiG-21 mang số hiệu 4324 đã từng bắn rơi 14 chiếc máy bay của trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Ảnh: Báo Quân đội nhân dân điện tử, Tiền Phong |
Bảo vật quan trọng thứ hai được trưng bày là chiếc xe tăng T54B số hiệu 843. Đây chính là chiếc xe tăng huyền thoại đã húc đổ cổng phụ Dinh Độc Lập, đánh dấu cột mốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bảo vật thứ ba là chiếc tiêm kích MiG-21 mang số hiệu 5121 đã bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội năm 1972.
Và cuối cùng là tấm bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Chiếc xe tăng mang số hiệu 843 đã từng húc đổ cổng Dinh Độc Lập. (Ảnh: Báo Tiền phong và Báo Quân đội nhân dân điện tử) |
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ chính thức mở cửa đón khách tham quan vào ngày 1/11, miễn phí vào cửa cho tới hết tháng 12 năm nay.