Ưu tiên các công việc thời vụ
Đi làm thêm đối với sinh viên là để trải nghiệm và có thêm thu nhập. Nhưng năm nhất là thời gian làm quen với môi trường mới nên nếu không biết sắp xếp thời gian sẽ dễ ảnh hưởng đến việc học tập. Một công việc thời vụ, có thể chủ động thay đổi giờ giấc để phù hợp với lịch học là điều các tân sinh viên thường tìm kiếm.
Với kinh nghiệm làm thêm từ năm nhất, bạn K.Nga (sinh viên năm 2, trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Lúc mới lên đại học, mình chỉ tập trung vào việc học. Khi nào có thời gian rảnh mình sẽ làm các công việc như trợ giúp sự kiện được các anh chị trong trường giới thiệu. Các anh chị cũng là sinh viên nên rất thông cảm và hỗ trợ cho mình vừa học vừa làm.”
Các thương hiệu, cửa hàng uy tín vẫn có rất nhiều cơ hội việc làm dành cho các "tấm chiếu mới". Ảnh minh hoạ từ Internet. |
Các công việc thường được tân sinh viên ưa chuộng là việc làm thêm tại các cửa hàng tiện lợi, các quán cà phê. T.Dung (quận Tân Bình) chọn làm việc tại một quán cà phê gần nhà. T.Dung chia sẻ: “Công việc của mình hằng ngày là quét dọn quán, pha chế đồ uống. Mình thấy công việc không mấy phức tạp, nhân viên quán mình đa số là sinh viên. Thường thì các bạn sẽ chia ca theo lịch học nên cũng không gặp nhiều khó khăn về thời gian.”
Bên cạnh đó, các công việc trợ giảng, dạy kèm... cũng là một lựa chọn không tồi dành cho sinh viên. Bạn Thành Dũng (Đồng Nai) cho biết, công việc trợ giảng tại trung tâm tiếng Anh đã hỗ trợ rất nhiều cho Dũng trong việc luyện tập tiếng Anh và "cá kiếm" thêm khoản sinh hoạt phí.
Các công việc trợ giảng tại đại học, trung tâm giáo dục cũng rất đa dạng dành cho các Gen Z. Ảnh minh hoạ từ Internet. |
Làm đâu cũng được, rõ ràng và minh bạch là được
Với đa dạng nền tảng, tân sinh viên có thể dễ dàng tìm được các bài đăng tuyển công việc. Tuy nhiên, ngay cả với thông tin đăng trên các nền tảng uy tín, Gen Z cũng cần thận trọng trong việc ứng tuyển hay liên lạc với nhà tuyển dụng. Ngọc Huyền (21 tuổi, trường ĐH Ngoại thương cơ sở II, TP.HCM) cho biết, những "red flag" thường gặp hay liên lạc qua các ứng dụng Telegram, Messenger...
"Không một công ty, doanh nghiệp uy tín nào lại liên lạc với ứng viên qua các ứng dụng nhắn tin cá nhân thiếu chuyên nghiệp. Ngoài ra, với các cuộc phỏng vấn trực tiếp, bạn cũng cần tra cứu trước địa chỉ để xem toàn cảnh xung quanh. Hãy gọi thêm một người bạn, người thân đi cùng để tránh các tình huống bất trắc nữa nhé!" - Ngọc Huyền chia sẻ.
Nên cân nhắc kỹ trước những lời mời quá hời. Ảnh minh hoạ từ Internet. |
Bạn K.Lâm (quận Bình Thạnh), nhớ lại: “Mình gặp các thông tin tuyển người làm các công việc từ xa cho sinh viên như viết nội dung, thiết kế thuê được nhiều tài khoản bình luận xin được làm việc. Mình thử nhắn tin cho tài khoản đăng bài nhưng họ trả lời mình bằng một đề nghị tải app và các công việc rất lạ nên mình đã từ chối. Khi kiểm tra lại, mình thấy tài khoản đó là tài khoản ảo và không có thông tin cá nhân rõ ràng. Các bạn sinh viên cũng nên chú ý điều này để tránh mất mát không đáng có.”
Ngoài ra, các "tiền bối" khuyên các tân sinh viên thử các công việc làm thêm có liên quan đến ngành học, được anh chị, bạn bè giới thiệu. Vì các công việc này sẽ đảm bảo được sự minh bạch, tạo mối quan hệ, cơ hội học hỏi kinh nghiệm để làm đẹp hồ sơ.
Hiện nay, các công việc uy tín dành cho sinh viên vẫn rất nhiều, Gen Z hoàn toàn có thể chọn lọc để có được một công việc phù hợp. Ảnh minh hoạ từ Internet. |