Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Bệnh đau mắt đỏ lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm khuẩn, dùng đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Đau mắt đỏ là bệnh cấp tính, có triệu chứng rõ ràng, dễ lây lan, dễ mắc nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng.
Người bệnh có thể điều trị tại nhà theo các cách sau:
Dùng thuốc nhỏ mắt nước muối Natri Clorid 0,9% có thể làm dịu triệu chứng đau mắt đỏ. Thuốc nhỏ kháng histamine có thể dùng cho trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng.
Khi nhỏ mắt, bạn không được để đầu ống nhỏ giọt chạm vào mắt, rửa tay sạch trước khi nhỏ thuốc.
Không nhỏ thuốc của mắt nhiễm khuẩn cho mắt lành.
Không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid vì nó có thành phần chứa chất kháng viêm mạnh, cần dùng khi có chỉ định từ bác sĩ. Lạm dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid có thể là nguyên nhân khiến bệnh nặng hơn, đặc biệt khi người bệnh đang bị viêm kết mạc hoặc nhiễm trùng mắt. Biến chứng nặng có thể làm tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, mù lòa, đặc biệt nặng hơn nếu đối tượng là trẻ em.
Người bệnh cũng có thể làm giảm triệu chứng bằng chườm ấm. Bạn lấy một chiếc khăn ẩm và ấm lên mắt trong vài phút, lặp lại nhiều lần trong ngày. Nếu không cải thiện, có thể áp dụng chườm lạnh để giảm sưng, làm dịu.
Lưu ý rằng, bạn chỉ nên để khăn ở nhiệt độ vừa phải, quá lạnh hoặc quá nóng có thể làm tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Nếu bị cả hai mắt, dùng khăn chườm mỗi mắt một chiếc khác nhau.
Để an toàn và rõ phương pháp điều trị nhất, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.