Tiết kiệm cho tương lai hay hưởng thụ thời khắc ở hiện tại là điều mà nhiều Gen Z đang phân vân. Ảnh: Getty Images. |
Gen Z không ngại sống hết mình với tuổi trẻ
Nhiều Gen Z không ngần ngại “thả tim” lối sống tận hưởng khi còn có thể. Họ cho phép bản thân đi và trải nghiệm, học hỏi những điều mới mẻ của cuộc sống bởi lẽ “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”.
Thiên Thảo (20 tuổi, du học sinh tại New Zealand) cho biết mình thường mắc kẹt giữa tâm lý “chỉ có một lần để sống” và “hãy tiết kiệm khi còn có thể”. Là một sinh viên vừa học vừa làm tại New Zealand, cô bạn đã bắt đầu cuộc sống tự lập một mình từ năm học cấp 3. Hơn ai hết, Thiên Thảo biết mình cần tiết kiệm, mong muốn để dành được một khoản tiền trước khi về nước lập nghiệp.
Tuy nhiên trải qua 2 năm dịch bệnh, Thảo ý thức rằng cuộc sống không thể lường trước được điều gì, vì thế cô bạn càng không muốn gò bó bản thân. Cụ thể, Thảo chia sẻ mỗi tháng sau khi nhận lương, điều đầu tiên cô bạn làm chính là bước vào trung tâm mua sắm để mua món đồ tự thưởng cho mình sau khi đã làm việc vất vả.
Thiên Thảo cho phép bản thân tận hưởng từng giây phút được sống trên đời. Ảnh: NVCC. |
"Mình coi đó là một cách để tăng động lực cho bản thân ở chốn “đất khách quê người”, bởi có làm mới có hưởng thụ, sau khi hưởng thụ hết thì mình lại lao đầu vào công việc. Nhưng đôi khi mình rất phân vân bản thân nên tiết kiệm hay nên tận hưởng vì mình cũng "có tuổi" rồi!" - Thiên Thảo chia sẻ thêm.
Cùng theo đuổi phong cách sống YOLO, Thu Hương (24 tuổi, Đồng Nai) chia sẻ bản thân đã từng rất nhiều lần lên kế hoạch cho cuộc sống tương lai nhưng... chưa bao giờ thành công: “Nhiều lúc thấy ngưỡng mộ cuộc sống của bạn bè xung quanh lắm, mọi người đều đã có kế hoạch riêng cho việc lấy chồng và sinh con. Trong khi đó, bản thân mình vẫn còn đang sống cùng bố mẹ”.
Hương chọn “enjoy cái moment này” bằng những chuyến đi xa cùng bạn bè. Ảnh: NVCC |
Dù vậy, không vì thế mà Hương chọn cách “khắc nghiệt” với bản thân. Trở lại với trạng thái “bình thường mới”, cuộc sống của cô càng ngập tràn niềm vui và những chuyến đi cùng với bạn bè. Những cơ hội mới cũng mở ra và khiến cuộc sống mới của Hương càng thêm tích cực. Đáng nói, khi được hỏi về những dự định sắp tới cho mùa Hè này, Hương cho biết cô dự định sẽ đầu tư cho bản thân về ngoại hình và tiếp tục tận hưởng những chuyến đi của tuổi trẻ.
Tiết kiệm để ổn định lâu dài
Không ít các bạn trẻ lựa chọn cuộc sống tiết kiệm từ khi còn rất nhỏ, bởi họ cho rằng cẩn trọng, tích lũy cho tương lai không bao giờ là thừa. Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch vừa rồi, chính lối sống tiết kiệm lại là chiếc “chìa khóa” để vượt qua khốn khó.
Quỳnh Như (21 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Mình cảm thấy có những “dự trù” cho tương lai vẫn đem lại kết quả tốt nhất. Với mình, cân bằng giữa nhu cầu cá nhân với tiết kiệm cho tương lai đều rất quan trọng.” Đặc biệt, khi trải qua đợt dịch vừa rồi cô bạn càng cảm thấy những khoản tiết kiệm là cực kỳ quan trọng.
Khi được hỏi về thói quen chi tiêu cá nhân, Như không ngần ngại trả lời: “Đa phần các tháng mình đều làm đúng theo kế hoạch, bởi vì mình là người không có thói quen chi tiêu phung phí, không nghiện mua sắm hay có quá nhiều chuyến đi chơi tốn kém. Thời gian chủ yếu để học tập và tìm kiếm công việc.”
Dù còn rất trẻ nhưng Quỳnh Như luôn trăn trở cho tương lai của mình. Ảnh: NVCC |
“Mách nước” cách để cân bằng giữa hai lối sống
Duy Khang (20 tuổi, Bình Dương) thích cân bằng giữa cả hai lối sống. Dịch bệnh rồi biến động giá cả thời gian gần đây là lý do khiến Khang phải luôn lập kế hoạch chi tiêu cụ thể mỗi tháng để tiện theo dõi và sử dụng cho hợp lý: “Sau khi nhận lương, mình sẽ bắt đầu chia ra các khoản bắt buộc phải tiết kiệm như (tiền nhà, tiền điện, tiền ăn và tiền để dành) nếu còn dư thì mới nghĩ đến những chi tiêu không quan trọng khác như mua sắm, đi chơi…”.
Duy Khang lựa chọn cân bằng giữa hai lối sống, cho phép bản thân vừa làm vừa hưởng thụ. Ảnh: NVCC |
“Việc mua sắm giúp tâm trí thoải mái hơn rất nhiều, những người xung quanh mình cũng không thể kháng cự lại sức hút của việc mua sắm. Vì vậy, để tránh việc mua đồ phung phí, mình sẽ hạn chế giữ tiền mặt trong người hoặc trong thẻ, tất cả đều trong sổ tiết kiệm của ngân hàng hoặc những khoản đầu tư tài chính khác. Từ từ mình cũng luyện được thói quen không tiêu xài quá mức nữa.” - Duy Khang tâm sự.
Ngoài ra, Duy Khang dự định sẽ đầu tư cho bản thân bằng những khóa học Tiếng Anh và Tin học. Số tiền còn dư sẽ về quê chơi một chuyến, tận hưởng không khí quê nhà cùng với ông bà và bố mẹ. Đây cũng là một cách "xả stress" hiệu quả được Duy Khang áp dụng rất nhiều.