Căng sức dập lửa rừng

Căng sức dập lửa rừng
HHT - Rừng bốc cháy dữ dội. Sự khốc liệt của thời tiết và thảm thực bì dày khiến đám cháy dập xong rồi lại bùng phát trong nhiều ngày đêm đã vắt kiệt sức con người.
Căng sức dập lửa rừng ảnh 1
Rừng phòng hộ ở Hà Tĩnh cháy đỏ trời trong đêm. Ảnh: Phạm Đức.

Những ngày này, hàng ngàn người gồm quân và dân ở Hà Tĩnh đang hợp sức giữ rừng và bảo đảm an toàn tính mạng về người, tài sản cho hàng trăm hộ gia đình sống gần bìa rừng đang bị lửa uy hiếp.

Thiêu rụi 50 ha rừng thông

Với người dân ở tổ dân phố 1, TT.Xuân An, H.Nghi Xuân (Hà Tĩnh), chưa khi nào phải chứng kiến cánh rừng phòng hộ trên núi Hồng Lĩnh gần nhà cháy lớn, kéo dài đến như vậy. Lửa cháy rừng trên núi đỏ trời đêm. Ban ngày, cả một vệt rừng mịt mù trong lửa khói.

Ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Thế Hùng (39 tuổi) sát bìa rừng. Chiều 28/6, đám cháy từ xã Xuân Hồng (H.Nghi Xuân) lan sang, bùng phát phía trên đỉnh núi. Anh Hùng cùng người dân trong thị trấn được chính quyền địa phương huy động lên núi dập lửa. Gió Lào thổi mạnh, cộng thêm thảm thực bì có chỗ dày cả mét, nên đám cháy lan nhanh và đến tối thì lửa sát nhà dân. H.Nghi Xuân mặc dù đã huy động hơn 1.000 người gồm bộ đội, công an, biên phòng, PCCC, kiểm lâm và người dân vào rừng, cũng không thể ngăn được lửa.

Căng sức dập lửa rừng ảnh 2

Lực lượng chữa cháy tranh thủ ăn miếng cơm lấy sức chống giặc lửa. Ảnh: Phạm Đức.

Để đảm bảo an toàn, gia đình anh Hùng và 79 hộ dân lân cận buộc phải sơ tán ngay trong đêm. Tiếng kẻng, tiếng loa phóng thanh của chính quyền địa phương liên tục vang lên thúc giục người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. “Tôi đã đưa mẹ già và 2 đứa con ra thuê nhà nghỉ phía bên kia quốc lộ để ở. Tài sản trong nhà của các hộ dân được bộ đội và công an hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn. Mọi hoạt động đều diễn ra rất khẩn trương và cấp bách. Đêm hôm đó, tôi với vợ ở lại cùng lực lượng chữa cháy lên núi dập lửa đến sáng”, anh Hùng nói.

Gió Lào thổi mạnh khiến lửa nhanh chóng bao trùm cả dãy núi Hồng Lĩnh. Nhiều phương án chữa cháy được triển khai. Lực lượng chức năng chia làm nhiều mũi làm đường băng cản lửa. Các xe chữa cháy được đưa đến sát khu vực có nhà dân, cây xăng nằm cạnh QL1A để ngăn không cho lửa đến gần. “Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho toàn lực lượng chữa cháy là không để vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản nhân dân”, ông Phạm Tiến Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Nghi Xuân, nói.

Căng sức dập lửa rừng ảnh 3
Căng sức dập lửa rừng ảnh 4

Ông Phạm Minh Chính và ông Vương Đình Huệ (ảnh phải) động viên, tặng quà lực lượng chữa cháy rừng. Ảnh: Phạm Đức - Tân Kỳ

Đến 20 giờ cùng ngày, lửa vẫn tiếp tục lan rộng, cả khu rừng cháy đỏ rực. Trong thời điểm này, hầu như các lực lượng chữa cháy đã bị vắt kiệt sức vì leo núi dập lửa từ chiều đến đêm. Lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Hà Tĩnh tăng cường mọi phương tiện chữa cháy đến hiện trường. Tỉnh Nghệ An cũng chi viện thêm 4 xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ hỗ trợ. Đến 22 giờ 30 phút, đám cháy mới cơ bản được khống chế, nhưng khoảng 3 giờ sáng 29/6 lửa bùng phát trở lại và kéo dài cho đến chiều qua 30.6 cũng chưa thể dập tắt.

Trực tiếp chỉ huy chữa cháy tại hiện trường, ông Phạm Tiến Hưng cho biết vụ cháy đã thiêu rụi trên 50 ha rừng thông. Rất may đến thời điểm này, vụ cháy chưa gây thiệt hại cho người dân; toàn bộ lực lượng tham gia chữa cháy vẫn an toàn. “Thương nhất là anh em bộ đội, công an và kiểm lâm phải ứng trực trên rừng suốt gần 3 ngày đêm để dập lửa, không ai được phép trở về nhà khi lửa chưa tắt hẳn. Khuôn mặt ai cũng hốc hác lấm lem, mồ hôi chảy ướt hết áo quần. Mấy hôm nay, họ phải ăn nghỉ ngay trong rừng”, ông Hưng cho biết.

Bằng mọi cách dập lửa

Sáng 30/6, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 (đóng tại TP.Vinh, Nghệ An) điều 500 cán bộ, chiến sĩ sang hỗ trợ H.Nghi Xuân phát các đường băng cản lửa trên núi Hồng Lĩnh. Theo ghi nhận, đám cháy tại cánh rừng này không còn lan rộng như 2 ngày trước vì đã có những đường băng cản lửa tương đối an toàn. Tuy nhiên, toàn bộ lực lượng vẫn ứng trực tại đây để cô lập đám cháy, cảnh giác cao và không lơ là bất kể ngày đêm.

Ông Lê Thanh Hải (78 tuổi, ngụ thôn 7, xã Xuân Hồng) nói, sống dưới chân núi Hồng Lĩnh suốt mấy chục năm nay, chưa bao giờ ngọn núi này lại xảy ra cháy lớn đến như vậy. “Nếu như không có các chú bộ đội và công an, thì tôi dám chắc khu vực dân cư sẽ bị lửa lan tới. Rú (núi) Hồng Lĩnh hết cây là hiển hiện. Phải phục các chú ấy, giữa biển lửa mênh mông như thế mà vẫn kiên trì bám trụ suốt 3 ngày 2 đêm để dập lửa. Tất cả cũng vì sự an nguy của người dân”, ông Hải nói.

Trong ngày 30/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến thị sát khu vực rừng thông bị cháy tại núi Hồng Lĩnh. Hai Ủy viên Bộ Chính trị đánh giá cao tinh thần chủ động, ứng cứu kịp thời của Hà Tĩnh, trong đó có sự nỗ lực cao của các lực lượng, các cấp chính quyền và phối hợp tác chiến của lực lượng Quân khu 4; đồng thời lưu ý dù bước đầu ngọn lửa đã được khống chế nhưng không được chủ quan, các lực lượng phải túc trực thường xuyên, bố trí nhân lực, phương tiện và phương án “4 tại chỗ” sẵn sàng ứng phó với các diễn biến mới trong công tác phòng chống cháy rừng. Hai Ủy viên Bộ Chính trị cũng đã tặng quà động viên các lực lượng cảnh sát PCCC, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ, kiểm lâm, bộ đội và thăm hỏi người dân địa phương…

Thời tiết khắc nghiệt với nền nhiệt luôn ở mức 39 - 40oC, kèm gió Lào thổi mạnh như hiện nay thì ngọn lửa có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào. Vì thế, công tác chữa cháy rừng ở Hà Tĩnh trở nên vô cùng khó khăn, không chỉ ở Hồng Lĩnh mà tại nhiều địa phương xảy ra cháy rừng những ngày qua. Những người lính, những chiến sĩ công an, dân quân và cả người dân… vẫn đang gồng sức dập lửa, bảo vệ rừng và tài sản cho dân.

4 ngày Hà Tĩnh xảy ra 11 vụ cháy rừng

Từ ngày 26 - 30/6, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 11 vụ cháy rừng ở các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Lộc Hà và TX.Kỳ Anh, thiêu rụi hàng trăm héc ta rừng thông và keo tràm; trong đó mới nhất là vụ cháy rừng ở xã Sơn Trung và xã Sơn Lễ thuộc H.Hương Sơn xảy ra rạng sáng 30.6. Riêng ngày 28/6 xảy ra liên tiếp 5 vụ cháy rừng, bao gồm vụ cháy tại khu rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 92 trên núi Hồng Lĩnh (xã Xuân Hồng và TT.Xuân An, H.Nghi Xuân) kéo dài đến 3 ngày, từ trưa 28 đến chiều 30.6 vẫn chưa thể dập tắt được hoàn toàn. Nguyên nhân vụ cháy rừng này bước đầu được xác định là do ông Phan Đình Thành (46 tuổi, ngụ thôn 7, xã Xuân Hồng) vô ý khi đốt rác trong vườn nhà cạnh bìa rừng gây ra. Công an H.Nghi Xuân đã tạm giữ ông Thành để củng cố hồ sơ khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Chủ rừng tử vong khi chữa cháy rừng ở Nghệ An

Ngày 30/6, ông Đặng Bình, Phó chủ tịch UBND xã Nam Kim (H.Nam Đàn, Nghệ An), cho biết trên địa bàn xảy ra vụ cháy rừng khiến bà Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, ngụ tại xã Nam Kim) tử vong. Khoảng 8 giờ 30 cùng ngày, đám cháy rừng ở xã Sơn Tiến và xã Sơn Tân (H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) lan sang khu rừng ở xã Nam Kim, trong đó có khu rừng do bà Hoa làm chủ. Bà Hoa cùng người dân và lực lượng chức năng nỗ lực dập lửa và tiếp tế cho lực lượng chữa cháy. Sau khi đám cháy được dập tắt, lực lượng chữa cháy phát hiện bà Hoa đã tử vong trong rừng.

Theo thanhnien.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm