Ngày 4/5, học sinh nhiều tỉnh thành đã trở lại trường sau kỳ nghỉ dài vì dịch COVID-19. Bên cạnh các biện pháp phòng dịch như vệ sinh trường lớp, trang bị thêm vòi nước, dung dịch rửa tay…, một số trường còn sắm thêm cả tấm chắn giọt bắn để học sinh đeo kết hợp với khẩu trang trong lớp học.
Học sinh tại nhiều trường lớp vừa đeo khẩu trang vừa đeo tấm chắn trong lớp học. Ảnh: Tổng hợp
Tuy nhiên, biện pháp này đang vấp phải những ý kiến trái chiều. “Việc học sinh đeo khẩu trang và tấm chắn cả ngày ở tuổi ưa hoạt động thì khả thi bao nhiêu %? Và nó có hại gì trong môi trường nóng ẩm gần 40 độ của Việt Nam hiện nay? Lượng khí CO2 các con phải hít ngược trở lại phổi là bao nhiêu? Liệu trẻ em có thiếu oxy cho não không? Rồi mùi hôi và nấm mốc trong khẩu trang giữa trời oi nóng thì thế nào? Tấm che giọt bắn làm bằng nhựa cong cong, có tốt cho mắt nhìn của học sinh không?”… Hàng loạt những câu hỏi được hot mom Trần Thu Hà (Mẹ Xu Sim) đặt ra trên trang Facebook cá nhân và ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Cũng theo Mẹ Xu Sim, chị chỉ ra những bất cập của việc đeo tấm chắn trong lớp học không phải nhằm mục đích phản đối việc học sinh tới trường, ngược lại chị còn rất ủng hộ. “Chỉ là chúng ta phải nghiên cứu cho cặn kẽ. Tránh COVID-19 thì não, mắt và tim của học sinh cũng cần phải được bảo vệ, không để học sinh bị thiếu oxy cho não, rồi mắt bị loạn thị, đầu bị đau… Và quan trọng là phải khả thi, phải duy trì lâu dài được… Nếu cực kỳ nghiêm khắc lúc ngồi trong lớp, xếp hàng vào lớp, nhưng học sinh không chịu nổi lại lén ra ngoài thở và nói chuyện, hay là học sinh bị choáng ngất, thậm chí đột tử khi học thì sao? (đã có trường hợp một học sinh 15 tuổi đột tử trong khi đeo khẩu trang học thể dục ở Trung Quốc)”.
Ngay dưới bài đăng này, nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng việc học sinh vừa đeo khẩu trang vừa dùng kính chắn giọt bắn có thể là “lợi bất cập hại”. “Lớp con cũng thế ạ. 5 tiết liền đứa nào cũng ngộp, sáng nay có bạn bị choáng không học được nữa. Phòng vệ sinh rất nhiều bạn đến rửa mặt mũi” - FB R.B bình luận.
“Mình nói thiệt chứ cái này làm quá mà không hiệu quả. Chẳng lẽ các bé không ăn uống hay ngủ và thở chung trong phòng hay sao? Đeo cái này hư hết mắt. Khẩu trang có lẽ là đủ rồi và hơn hết là ý thức không đi lung tung của mọi người nữa” - FB P.Duong viết.
Cùng quan điểm này, FB Nguyễn Thu Hằng cho rằng việc đeo tấm chắn giọt bắn “một là rất khó chịu, nóng nực, vướng víu, cản trở hơi thở. Hai là cái nhựa kính này có thể làm hại mắt trẻ con. Ba là dự theo các nghiên cứu thống kê của mấy nước có nhiều ca nhiễm như Anh, Pháp, Ý, Trung Quốc, thì nguy cơ lây nhiễm của trẻ dưới 15 tuổi là cực kỳ nhỏ (1%)... Vì vậy chỉ cần hết sức cẩn thận (hoặc đừng cho con đến trường vào thời điểm này) với trẻ có vấn đề về sức khỏe ví dụ như hen phế quản, hoặc bệnh mãn tính, ung thư, béo phì…
Còn lại thì nên chú trọng việc bố trí giãn cách ở trường, lớp sao cho lớp học/ trường không đông quá, dạy trẻ con rửa tay, không dụi tay lên mặt, mắt, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, giữ khoảng cách với bạn và giữ trẻ con ở nhà khi ốm, sốt là được rồi”.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng việc đeo cả khẩu trang và kính chắn giọt bắn là cần thiết, có thể còn nhiều bất cập nhưng đây là biện pháp nhiều người tin tưởng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đang biến động khó lường. "Cả thế giới đã thấy tấm gương châu Âu và không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với chúng ta. Rõ ràng phòng còn hơn chống chứ, ít hay nhiều thì cũng góp phần giảm sự lây lan trong cộng đồng và nhắc nhở chúng ta không được chủ quan, nhắc nhở rằng dịch bệnh vẫn còn đó, vẫn chưa có vacxin và thuốc đặc trị” - FN H.Nhan viết.
“Dịch bệnh chưa kết thúc, tất cả mọi người đang phải làm quen với trạng thái hoàn toàn mới. Đây là tình huống không có tiền lệ nên chúng ta sẽ phải tập làm quen và điều chỉnh dần. Chúng ta có thể chưa có lựa chọn hoàn hảo nhưng chúng ta có lựa chọn tốt nhất. Không có giải pháp thích hợp cho tất cả mọi người, cần thích nghi thôi” - FB M.H.Pham bình luận.
Xung quanh câu hỏi nên hay không cho học sinh vừa đeo khẩu trang vừa đeo kính chắn giọt bắn vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Chia sẻ với báo chí, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - nội thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho rằng tấm chắn chỉ dành cho những người chăm sóc trực tiếp bệnh nhân, đối diện với người bệnh, khi họ ho thì có kính chắn ngăn giọt bắn bất ngờ. "Trong khi học sinh ngồi học cùng hướng, không ảnh hưởng. Tấm chắn này chỉ phù hợp cho học sinh lúc ra chơi, các em vui đùa nhiều khi ho thì người đối diện tránh không kịp. Còn sử dụng suốt và liên tục trong giờ học là điều không nên, thời tiết lại nắng nóng, rồi tấm chắn có khoảng cách sát mặt, khiến tầm nhìn bị ảnh hưởng, nhìn không rõ, mỏi mắt, có khả năng bị ảnh hưởng thị lực” - bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Còn bạn, bạn cho rằng học sinh trở lại trường có cần thiết phải đeo tấm chắn hay không?