Đường Lên Đỉnh Olympia là sân chơi trí tuệ thu hút sự quan tâm của mọi lứa tuổi, đặc biệt là các bạn học sinh THPT. Trong các gói câu hỏi, phía ban tổ chức chương trình thường đan xen nhiều nội dung khác nhau để tìm kiếm được thí sinh có kiến thức toàn diện nhất. Bên cạnh những câu hỏi khó thì có một số câu hỏi ở mức khá đơn giản kiểm tra kiến thức và sự nhanh trí của thí sinh. Tuy nhiên, đứng ở trường quay cộng thêm tâm lý hồi hộp, nhiều thí sinh đã "bó tay" với câu hỏi được đánh giá là khá đơn giản.
Trong cuộc thi Tuần I Quý III của Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 16, chương trình đưa ra một câu hỏi Toán học ở phần thi Về đích như sau: "Số nào là số tự nhiên nhỏ nhất có hai chữ số thoả mãn tổng các chữ số của số đó bằng số lớn nhất có một chữ số?".
Câu hỏi này được đánh giá là dễ bởi để tìm ra được số thoả mãn 2 điều kiện "số nhỏ nhất có 2 chữ số" và "tổng hai chữ số bằng số lớn nhất có 1 chữ số" là không quá khó. Áp lực về thời gian và khán giả cũng như cách ra đề lắt léo của ban tổ chức khiến thí sinh này thay đổi đáp án đến 2 lần. Thé nhưng câu trả lời mà thí sinh đưa ra lại không chính xác. Và đáp án cuối cùng cho câu hỏi này là số 18, thật đơn giản phải không nào?
Cũng là một câu hỏi liên quan đến lĩnh vực Toán học trong chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia, thí sinh Hải Bình nhận được câu đố như sau: "Từ 3 số 7, 0, 2 có thể tạo ra số lớn nhất là bao nhiêu?".
Câu hỏi này nhìn qua tưởng thì dễ, nếu không đọc kĩ đề bài lập tức sẽ đưa ra đáp án giống như bạn thí sinh này là "720". Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. Nếu để ý kĩ, sẽ dễ dàng nhận thấy, chỉ cần một phép tính đơn giản là có thể nâng giá trị của 3 con số lên nhiều lần. Đó là phép tính luỹ thừa.
Và đáp án cuối cùng chính là: 2^70 (2 mũ 70 hay 2 lũy thừa 70).
Trong một cuộc thi đấu trí như Đường lên đỉnh Olympia, thường thì các bạn thí sinh gặp rất nhiều áp lực. Vì thế, việc họ không thể đưa ra đáp án chính xác trong thời gian rất ngắn cũng là điều dễ hiểu.