Cứ sau mỗi chuyến công tác, Kang Sung-il, 39 tuổi, làm nghề quản lý nhà tang lễ cho thú cưng lại mua cho Sancho, chú chó Pomeranian của anh một món đồ chơi. Dịp Tết Nguyên Đán tới đây, Sancho được "bố" mua cho bộ đồ mới 50 USD (hơn 1 triệu đồng) để về thăm bà nội, mẹ anh.
Anh Kang và vợ cho rằng chi phí sinh con quá đắt đỏ lại còn rất áp lực vì vậy, họ dành hết tình yêu và cả tiền bạc cho Sancho - chú cún cưng của mình.

Vợ chồng anh Kang không phải là gia đình duy nhất ở Hàn Quốc có tư tưởng này. Ngành công nghiệp thú cưng ở Hàn Quốc đang bùng nổ bởi nhiều yếu tố: tỉ lệ sinh ở nước này đang ở mức thấp nhất thế giới với tỉ lệ 1,05 ca sinh/1 phụ nữ, chi phí giáo dục và nhà ở cao cũng như áp lực công việc, số giờ làm việc trong ngày quá dài.
"Áp lực xã hội ở Hàn Quốc rất lớn, phụ huynh phải trả nhiều khoản phí cho việc học hành của con từ học trường tư thục đến các lớp học nghệ thuật", anh Kang cho biết.
Bởi vậy, anh cảm thấy mình không thể có khả năng chi trả tất cả những khoản đó nếu anh có con, nhưng lại rất vui khi chi khoảng 100.000 won (hơn 2 triệu đồng) mỗi tháng cho Sancho.
Ngoài chi phí giáo dục, trung bình, mỗi gia đình ở Hàn Quốc phải mất tới gần 13 năm mới đủ tiền mua một căn hộ tầm trung, cộng thêm áp lực áp việc lớn. Hàn Quốc đứng thứ 3 thế giới về tỉ lệ người lao động làm thêm giờ, sau Mexico và Costa Rica.
Theo ông Kim Soo-kyung, giám đốc Kim Viện nghiên cứu kinh tế quản lý Samjong KPMG, tỉ lệ thú cưng ở các gia đình đang tăng nhanh khi nhiều người chọn cách không sinh con, thậm chí không kết hôn.
Ước tính, năm 2018, 28% gia đình Hàn Quốc có nuôi thú cưng, tăng 10% so với năm 2012. Chính điều này đã thúc đẩy ngành công nghiệp chăm sóc thú cưng phát triển mạnh mẽ với nhiều dịch vụ như chế độ ăn cho thú cưng, chụp ảnh thú cưng giá cao,…