Trước đó, quy định về việc học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo hình thức phê bình trước lớp, trước trường được ghi nhận và thực hiện theo khoản 2 Điều 42 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT.
Tuy nhiên kể từ ngày 1/11/2020, điều này sẽ không được phép xảy ra trong môi trường học đường nữa. Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT bắt đầu có hiệu lực thi hành, yêu cầu giáo viên không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.
Tùy theo mức độ vi phạm của học sinh, giáo viên và nhà trường sẽ có biện pháp kỷ luật như nhắc nhở trực tiếp, hỗ trợ giúp đỡ để học sinh tiến bộ hơn, hoặc thông báo kín với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Cụ thể, căn cứ vào khoản 2 Điều 38 Thông tư số 32, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
- Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
- Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
- Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ảnh minh họa từ Internet.
Với việc bỏ quy định xử lý kỷ luật học sinh bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường sẽ tránh được tình trạng học sinh cảm thấy xấu hổ, ngại với bạn bè trong lớp, trong trường khi bị phê bình rồi dẫn đến những hành vi tiêu cực như chán ghét thầy cô, xa lánh bạn bè, bỏ học…
Thay vào đó, Thông tư số 32 bổ sung hình thức xử lý kỷ luật bằng hình thức nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp học sinh khuyết điểm sẽ góp phần cho học sinh gần gũi với giáo viên, nhà trường hơn; từ đó học sinh sớm tiến bộ, khắc phục các khuyết điểm và chăm ngoan hơn.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 38 Thông tư số 32 thì học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện được giáo viên, nhà trường và các cấp quản lý giáo dục khen thưởng bằng các hình thức sau đây:
- Tuyên dương trước lớp hoặc trước toàn trường.
- Khen thưởng các danh hiệu học sinh theo quy định.
- Cấp giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, nếu đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong một số lĩnh vực học tập, phong trào thi đua; đạt thành tích trong các kỳ thi, hội thi theo quy định và cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Các hình thức khen thưởng khác.