Trong những năm gần đây, sự nghiệp của tiền đạo Công Phượng không mấy thuận lợi. Nam cầu thủ sinh năm 1995 chỉ đá 3 trận cho Yokohama FC (Nhật Bản) với tổng thời lượng chưa đến 90 phút. Dấu ấn đáng nhớ nhất của Công Phượng là về mặt truyền thông khi nhiều lần xuất hiện trên poster của đội bóng và áp phích quảng cáo.
Chia tay CLB Yokohama FC sau 2 năm, vào giữa tháng 9 vừa qua, Công Phượng quyết định trở về nước thi đấu với bản hợp đồng 3 năm tại CLB Bình Phước (giải hạng Nhất quốc gia).
Nhưng thay vì được người hâm mộ trong nước đón nhận, Công Phượng lại trở thành tâm điểm trên mạng xã hội bởi những trò đùa từ cư dân mạng. Hàng loạt fanpage, hội nhóm đã dùng hình ảnh, câu chuyện để bôi nhọ Công Phượng, ám chỉ về chuyến xuất ngoại không thành công của nam tiền đạo.
Vì là cầu thủ nhưng không được nhớ đến với những màn trình diễn trên sân cỏ, thay vào đó Công Phượng lại được nhớ đến như một người pha cà phê, rán gà... cho các thành viên khác trong đội tuyển, thế nên nam cầu thủ đã trở thành đề tài cho hàng loạt các bức ảnh chế cũng như các bài viết “cà khịa” trên mạng.
Mới đây, trong trận Chung kết Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 24 diễn ra vào sáng 13/10, một hình ảnh gây tranh cãi tại điểm cầu Hà Nội chụp lại tấm bảng cổ vũ mà phía góc bảng lại dán hình ảnh Công Phượng cùng dòng chữ “gà kia ai rán mà giòn”. Khi hình ảnh này xuất hiện trong chương trình, nhiều dân mạng tỏ ra bức xúc khi Công Phượng từng là người hùng của bóng đá Việt Nam, việc trêu chọc nam cầu thủ sinh năm 1995 như vậy thể hiện sự thiếu tinh tế.
Mặc dù những năm qua, sự nghiệp của cựu tiền đạo CLB Hoàng Anh Gia Lai không được như mong muốn của người hâm mộ nhưng xét về hành trình với bóng đá Việt Nam, Công Phượng vẫn là gương mặt có nhiều cống hiến. Người hâm mộ có thể chỉ ra điểm sai, hạn chế, đưa ra lời khuyên để Công Phượng thay đổi nhưng không nên biến anh thành trò cười, chế giễu trên mạng.