Trong những ngày này, thời tiết không chỉ ở nước ta mà cả nhiều nước châu Á khác đều đang rất nóng. Trưa và chiều 29/5, nhiệt độ Hà Nội (Việt Nam) lên 45 - 46oC, Phnom Penh (Cambodia) 43oC, Bangkok (Thái Lan) 41oC… Đáng chú ý là Ấn Độ: Nhiều nơi nhiệt độ đã vượt 50oC từ hôm qua, 28/5, nên cơ quan khí tượng nước này (IMD) đã phải ra cảnh báo đỏ về nắng nóng ở thủ đô Delhi và nhiều bang khác.
Nhiều nơi ở châu Á đều rất nóng vào chiều 29/5. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap. |
Theo Tiến sĩ Shivaram Rao, bác sĩ tư vấn khoa Thần kinh, thì những đợt nắng nóng đã được thấy là có liên quan đến việc gia tăng các tình trạng thần kinh như đột quỵ và bệnh đa xơ cứng. Ngay cả với những người bình thường, không có bệnh nền, khi phải chịu nhiệt độ không khí cao thì cũng dễ bị đau đầu, choáng. Lý do là vì não của con người đặc biệt nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, nếu phải chịu nóng kéo dài thì não có thể bị tổn thương vĩnh viễn.
Không chỉ vậy, những đợt nắng nóng oi bức do trời ít gió còn khiến mức độ ô nhiễm không khí tăng - một yếu tố ảnh hưởng lớn đến não. Những chất gây ô nhiễm như bụi mịn PM2.5 và nitrogen dioxide (NO2) có thể đi vào máu và lên não, gây viêm nhiễm và các tổn thương khác.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có sự liên quan giữa những đợt nắng nóng kèm ô nhiễm không khí với tình trạng giảm nhận thức, thậm chí cả các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu và trầm cảm ở con người.
Người đi bộ dùng khăn che mặt tránh nắng trong một đợt nắng nóng ở Ấn Độ. Ảnh: PTI. |
Vì vậy, vào những ngày nắng nóng, người dân nên thường xuyên uống nước, nếu có thể thì tránh ra ngoài vào những giờ nắng nóng cao điểm (12h - 16h), có cách che chắn nắng phù hợp, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột (ví dụ từ bên ngoài trời nóng bước ngay vào phòng đang bật điều hòa lạnh mà không có khoảng nghỉ bằng cách mở cửa phòng và đứng đó một chút cho cơ thể quen với nhiệt độ khác biệt)…