Chuyện kinh doanh bao lì xì ngày Tết: Câu chuyện lớn đằng sau phong bao lì xì nhỏ

Chuyện kinh doanh bao lì xì ngày Tết: Câu chuyện lớn đằng sau phong bao lì xì nhỏ
HHT - Mùa cuối năm, rất nhiều mẫu bao lì xì độc lạ đang được rao trên các fanpage và bán rất chạy. Nhưng rất nhiều sản phẩm trong số đó đang bị những người buôn bán thiếu đạo đức ăn cắp, đạo nhái ý tưởng trắng trợn.

Quy trình sáng tạo gói gọn trong hai nút Ctrl + C

Chỉ cần gõ từ khóa #baolixitet2018 là Facebook sẽ cho ra một loạt những trang fanpage rao bán nhiều mẫu bao lì xì độc lạ giá rẻ. Nhiều trang bán hàng trong số đó đang vướng chuyện tác quyền với các họa sĩ thiết kế nhưng vẫn bán hàng tới tấp. Chẳng hạn như trang Bao lì xì… đã có sự “trùng hợp ý tưởng nhẹ” với bạn Vũ Linh khi cùng sản xuất mẫu bao in hình chú chó với slogan vui vui như: Tết cờ hó không lo nghèo khó, Năm cờ hó lì xì là phải có… trên chất liệu giấy kraft (giấy có màu ngả vàng theo phong cách vintage). Mặc dù chính chủ đã liên hệ và phản ánh nhưng những kẻ đạo nhái vẫn không chịu dừng việc kinh doanh.

Chuyện kinh doanh bao lì xì ngày Tết: Câu chuyện lớn đằng sau phong bao lì xì nhỏ ảnh 1

Tr.Trâm cũng “chỉa ý tưởng” tuy có “sáng tạo” thêm một số chi tiết, dựa trên tranh gốc vẽ đặc sản Sài Gòn theo phong cách chibi của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình (kí danh Bình Lùm). Cụ thể, Trâm xóa text, gắn thêm hoa mai, chèn thêm chữ Tết Sài Gòn… lên tác phẩm gốc mà chưa được sự đồng ý của tác giả. Khi tác giả liên hệ hỏi về vấn đề tác quyền thì bạn này cãi chày cãi cối, còn đòi anh Bình phải trình ra tờ giấy đăng kí tác quyền thì mới chịu nhận mình sai.

Nhưng nhiều khách hàng thì có vẻ không mấy bận tâm đến việc mua sản phẩm ăn cắp ý tưởng.  Nhiều bạn lập luận: “Mình chỉ mua sản phẩm, còn chuyện đạo nhái là của bên bán, quan tâm chi cho mệt”, “Không người này ăn cắp thì cũng có người khác đạo nhái, à mà việc đó thì chẳng liên quan gì đến mình”… Chính thái độ thờ ơ, dễ dãi ấy đã khiến cho tình trạng ăn cắp ý tưởng và kinh doanh thiếu đạo đức của nhiều shop online càng công khai và lan rộng.

Chọn ủng hộ hay triệt tiêu động lực sáng tạo chân chính?

Chuyện kinh doanh bao lì xì ngày Tết: Câu chuyện lớn đằng sau phong bao lì xì nhỏ ảnh 2

Nếu như ở các nước phát triển, những sản phẩm ăn cắp ý tưởng bị khách hàng tẩy chay kịch liệt, phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật thì ở nước mình, phần lớn người mua chỉ quan tâm đến việc mua sản phẩm mình thích, quan niệm rằng chuyện tranh cãi tác quyền là chuyện riêng của người bán với người tranh chấp. Phản ứng này của người tiêu dùng trong nước tương tự như trong vụ một thương hiệu nước giải khát toàn cầu trốn thuế ở Việt Nam, trong khi người Anh sẵn sàng tẩy chay thương hiệu này vì lý do kinh doanh thiếu trách nhiệm, dân mình lại coi đó là chuyện “thường thôi”, thức uống ngon thì mình cứ uống miễn sao đừng tăng giá bán là được. Chính quan niệm đó đã khiến chúng ta vô tình trở thành đồng phạm tiêu diệt động lực sáng tạo chân chính.

Chuyện kinh doanh bao lì xì ngày Tết: Câu chuyện lớn đằng sau phong bao lì xì nhỏ ảnh 3

Hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) và Công ước Berne về quyền tác giả chưa được thực hiện triệt để ở Việt Nam, phần vì nhiều lý do pháp lý nhưng quan trọng không kém là văn hóa và ý thức tiêu dùng. Trong cuốn sách Quyền tác giả - Đường hội nhập không trải hoa hồng do NXB Trẻ phát hành, GS.TS Nguyễn Vân Nam đã chỉ rõ ở Việt Nam không có quy định về “dấu ấn sáng tạo cá nhân” cho tác phẩm, dẫn đến trường hợp tố cáo đạo nhái liên miên mà không có cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể để giải quyết thỏa đáng. Nhiều người còn nhầm tưởng sản phẩm có bản quyền là phải được đăng ký, chứng nhận của một đơn vị nào đó, trong khi thực tế quyền tác giả tự động xuất hiện ngay khi tác phẩm hội đủ các điều kiện được bảo hộ mà không phải qua bất cứ một thủ tục hành chính, kiểm tra nội dung, hay bất cứ hình thức hành chính của cơ quan quản lý nào. Ngay cả khái niệm tác phẩm phái sinh cũng bị hiểu lệch so với chuẩn quốc tế, thay vì là tác phẩm phải mang cả dấu ấn cá nhân của tác giả tác phẩm nguyên thủy và của tác giả tác phẩm phái sinh thì ở Việt Nam, chỉ cần chỉnh sửa vài chi tiết nhỏ như trường hợp của bạn Tr.Trâm kể trên cũng đã dễ dàng được mọi người chấp nhận là tác phẩm phái sinh. 

Chuyện kinh doanh bao lì xì ngày Tết: Câu chuyện lớn đằng sau phong bao lì xì nhỏ ảnh 4

Việc tác phẩm có thể dễ dàng bị ăn cắp trắng trợn nhưng lại không phải chịu hậu quả khiến nhiều bạn ngại ngần chia sẻ sáng tạo của mình qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Behance…. Và khi sự sáng tạo không được khuyến khích, nâng đỡ trong môi trường xã hội văn minh thì sẽ dễ thui chột, không thể tự do “trăm hoa đua nở”.

Ứng xử khôn ngoan với bản quyền

Với nhiều người, việc vi phạm bản quyền là do vô tâm vô tình: Share mà không dẫn nguồn, “vay mượn” sáng tạo của người khác làm “chất liệu” cho sản phẩm của mình mà không nghĩ là cần hỏi ý kiến… Tuy nhiên chúng ta không thể vin vào cớ đó mãi cho cách hành xử thiếu văn minh của mình. Và đừng quên rằng không nghệ sĩ thực thụ nào có thể gây dựng danh tiếng trên sự lừa dối, trộm cắp.

Các nghệ sĩ chân chính không lấy tiền làm mục tiêu khi sáng tạo. Nên khi bạn thể hiện sự tôn trọng với tác giả, thiện chí của bạn thường được đáp lại một cách hào phóng. Bạn Khang Nguyễn (cựu học sinh THPT Trần Phú, Q.Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Sau khi xem tranh của họa sĩ Sứa Con Lon Ton trên báo Hoa Học Trò, lớp mình đã liên hệ đặt chị thiết kế áo lớp. Tưởng chị í sẽ đưa ra mức giá cao hoặc từ chối nhưng không ngờ chị lại ưu ái với thù lao thân thiện vô cùng. Thậm chí chị còn hướng dẫn tụi mình cách lên ý tưởng, chọn màu in sao cho đẹp nữa”.

Chuyện kinh doanh bao lì xì ngày Tết: Câu chuyện lớn đằng sau phong bao lì xì nhỏ ảnh 5

Cách bảo vệ chính mình khỏi “phường đạo nhái”

- Bạn có thể gửi sản phẩm sáng tạo lên các phương tiện truyền thông như một hình thức công bố tác quyền. Khi bị đạo nhái thì nhiều người sẽ giúp phát hiện và thông báo cho bạn.

- Ký tên dưới tác phẩm hoặc gắn logo trong suốt (watermark) lên tranh. Còn nếu muốn khoe “con tinh thần” trên mạng xã hội, bạn nên đăng với kích thước nhỏ, khi in ra sẽ bị vỡ ảnh hoặc mờ.

- Nếu cần in sản phẩm số lượng lớn, bạn phải làm hợp đồng, xác định bản quyền của mình với nhà in, để tránh trường hợp bị in lậu. Sau khi in xong, yêu cầu và giám sát việc xóa file ngay (nhớ xóa trong thư mục Recycle Bin luôn nhé!)

- Đọc kỹ và nắm rõ các luật, quy định về bản quyền để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình nha!

THIÊN NAM - Ảnh: Facebook, Freepik.com

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm