Có những người không may bị chứng “mù màu”, không nhìn ra được các màu sắc. Nhưng cô gái này lại bị chứng “mù khuôn mặt”, tức là quên sạch khuôn mặt của tất cả mọi người, bao gồm cả chính mình. Còn khuôn mặt của những người nổi tiếng thì… thôi đừng nói tới, bởi cô chẳng bao giờ nhớ được.
Lauren Nicole-Jones, ở Anh, bị “mù khuôn mặt” nghiêm trọng đến mức cô không nhận ra được chính mình trong những bức ảnh, kể cả ảnh cưới của mình.
Tình trạng của Lauren là một rối loạn về nhận diện, mà khả năng nhận ra các khuôn mặt quen thuộc bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tất cả các khía cạnh khác về thị giác và trí tuệ đều bình thường.
Nếu không dựa vào chiếc váy cưới thì Lauren không biết ai trong ảnh là mình. Ảnh: Lauren Nicole-Jones.
Lauren kể rằng, để nhận ra mình trong ảnh cưới, cô phải nhìn rất kỹ vào bộ váy cưới mà hôm đó cô mặc. Nếu không phải vì bộ váy khác hẳn mọi người thì cô sẽ không thể nhận ra chính mình khi đang là cô dâu. Có nhiều lúc, Lauren gặp bạn bè mà cũng không nhận ra, và nhìn vào gương thì nhiều khi cô cũng không nhận ra mình.
“Tình trạng này khiến tôi nhiều khi rất xấu hổ,” - Lauren nói - “nếu ai đó đưa tôi một bức ảnh và người trong ảnh có mái tóc sẫm màu và chiều cao khoảng bằng tôi, thì tôi sẽ nghĩ đó hẳn là mình”. Cũng có khi, Lauren nhìn vào vài bức ảnh và nghĩ: “Nơi trong ảnh này đẹp thật, mình đã đến đó vào lúc nào nhỉ?”, rồi cô mới biết rằng người trong ảnh không phải là cô.
Chứng bệnh của Lauren rất hiếm gặp, các bác sĩ cũng không có nhiều thông tin. Ảnh: Lauren Nicole-Jones.
Trong một trường hợp khác, Lauren đã không nhận ra người bạn thân nhất của cô, đã chơi với cô từ khi 12 tuổi. Người bạn này đã làm phù dâu trong đám cưới của Lauren chỉ một tháng trước đó.
Thật không may, không có cách nào chữa chứng “mù khuôn mặt” của Lauren. Cô chỉ biết học cách căn cứ vào thói quen, cử chỉ, giọng nói của mọi người để cố nhớ ra rằng họ là ai, có quan hệ gì với cô.
Nhưng Lauren cũng rất lạc quan. Cô nói: “Tôi cố dùng sự hài hước để đối diện với chuyện này, và đúng là có một số tình huống rất hài hước xảy ra. Chẳng hạn, tôi đã trò chuyện qua cuộc gọi video suốt 40 phút với nhầm người, hoặc tôi nhầm bạn trai cũ của tôi với một người khác”.
Ngay cả khi soi gương, Lauren cũng không nhận ra mình. Ảnh: Lauren Nicole-Jones.
Hiện Lauren đang làm một nhà trị liệu ngôn ngữ, bởi từ xưa cô vẫn luôn phải dựa trên ngôn ngữ để nghĩ xem người nói chuyện với mình là ai. Cô nói: “Điều tích cực là tôi rất giỏi giao tiếp với những người mà tôi không quen biết mấy. Những khuôn mặt không có ý nghĩa nhiều với tôi, nên tôi có thể trò chuyện thoải mái với cả những người xa lạ và nhanh chóng xây dựng được mối quan hệ thân thiện với họ”.