Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) của Anh vừa công bố bảng xếp hạng đại học thế giới theo nhóm ngành năm 2022 (QS World Ranking by subjects 2022). Đáng chú ý, trong đó có Đại học Bách Khoa Hà Nội của Việt Nam đạt thứ hạng cao nhất.
Cụ thể, trường Đại học Bách khoa Hà Nội có lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ và 5 nhóm ngành được xếp hạng bao gồm Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Toán học; Khoa học Vật liệu.
Trong các trường ĐH ở Việt Nam được xếp hạng lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ thì Đại học Bách Khoa Hà Nội đứng đầu.
Theo bảng xếp hạng, nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử và nhóm ngành Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo của trường ĐH Bách khoa Hà Nội đều tăng 100 bậc và được xếp vào nhóm 301 - 350 tốt nhất thế giới.
Lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội là lĩnh vực thế mạnh của trường xuất hiện trong danh sách ở vị trí 360 thế giới và số 1 Việt Nam.
Với nhóm ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin, trường ĐH Bách khoa Hà Nội đứng trong nhóm 401 - 450 thế giới, tăng 150 bậc so với năm ngoái.
Đây là năm đầu tiên nhóm ngành Toán học của trường ĐH Bách khoa Hà Nội đạt vị trí số 1 Việt Nam và xếp ở vị trí thứ 351 - 400 trên thế giới sau hai năm xuất hiện trong bảng xếp hạng.
Tất cả các nhóm ngành của Đại học Bách Khoa đều tăng hạng. |
Với nhóm ngành Khoa học Vật liệu, mặc dù lần đầu tiên được xếp hạng nhưng cũng chiếm vị trí cao nhất trong số các trường đại học tại Việt Nam. Nhóm ngành Khoa học Vật liệu năm nay của trường nằm trong nhóm 401 - 410 thế giới.
Trước đó, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng nằm trong nhóm 281 - 290 các trường đại học tốt nhất châu Á theo bảng xếp hạng QS Asia 2022, tăng 20 bậc so với năm trước.
QS là một trong ba tổ chức xếp hạng đại học uy tín nhất hiện nay, bên cạnh các bảng xếp hạng Times Higher Education (Anh) và Academic Ranking of World Universities (Trung Quốc).
Bảng xếp hạng Đại học thế giới theo nhóm ngành của QS sử dụng 4 thước đo bao gồm danh tiếng học thuật; uy tín của trường đại học theo đánh giá của nhà tuyển dụng lao động; số lượng trung bình trích dẫn trên một bài báo và chỉ số H-index đo năng suất nghiên cứu khoa học và mức độ ảnh hưởng của các công bố. Đối với xếp hạng lĩnh vực, QS sử dụng thêm một chỉ số về IRN (mạng lưới nghiên cứu quốc tế) đo hiệu quả của hợp tác nghiên cứu với đối tác quốc tế.