Đề thi chọn Học sinh Giỏi môn Văn tỉnh TT-Huế: "Cảm xúc cũng cần được nghỉ ngơi như cảm cúm"

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Trong kỳ thi chọn Học sinh Giỏi môn Ngữ văn cấp Tỉnh năm học 2022 - 2023 của Thừa Thiên - Huế, bài viết "Cảm xúc cũng cần được nghỉ ngơi như cảm cúm" trên báo Hoa Học Trò số 1391 được đưa ra để thí sinh phân tích trong câu Nghị luận 8 điểm.

Kỳ thi chọn học sinh Giỏi cấp Tỉnh lớp 12 năm học 2022 - 2023 môn Ngữ văn chuyên do Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức với thời gian làm bài là 180 phút. Đề thi có 2 câu hỏi, câu số 1 chiếm 8/20 điểm, câu số 2 chiếm 12/20 điểm.

Đề thi chọn Học sinh Giỏi môn Văn tỉnh TT-Huế: "Cảm xúc cũng cần được nghỉ ngơi như cảm cúm" ảnh 1

Đáng chú ý, bài viết "Cảm xúc" cũng cần nghỉ ngơi như "cảm cúm" của tác giả Trần Khánh An - một học sinh đang học lớp 11 tại TP.HCM đăng trên báo Hoa Học Trò số 1391 ra ngày 12/9/2022 đã trở thành nội dung được đưa ra trong đề thi. Khánh An đã tham gia và giành giải Khuyến Khích cuộc thi Thử Thách Kim Cương - cuộc thi viết và cũng là khóa đào tạo báo chí - truyền thông do báo Hoa Học Trò tổ chức trong mùa Hè vừa qua.

Đề thi chọn Học sinh Giỏi môn Văn tỉnh TT-Huế: "Cảm xúc cũng cần được nghỉ ngơi như cảm cúm" ảnh 2

Tác giả bài viết được đưa vào đề thi chọn học sinh giỏi Văn lớp 12 tỉnh Thừa Thiên Huế - Trần Khánh An (bìa phải) cùng các gương mặt đạt giải Thử Thách Kim Cương 2022.

Đề thi chọn Học sinh Giỏi môn Văn tỉnh TT-Huế: "Cảm xúc cũng cần được nghỉ ngơi như cảm cúm" ảnh 3

Nội dung câu hỏi về bài viết của Khánh An trong đề thi cụ thể như sau:

"Trên báo Hoa Học Trò số 1391 ra ngày 12/9/2022, tác giả Khánh An có bài viết "Cảm xúc" cũng cần được nghỉ ngơi như" cảm cúm". Trong đó, tác giả bài viết có kể lại câu chuyện bản thân từng viết đơn xin phép nghỉ học vì lý do đang cảm thấy buồn bã, bị stress. Nhưng lí do đó không thuyết phục được giáo viên. Theo anh/ chị, nhà trường có nên chấp nhận những lý do nghỉ học như tác giả bài viết nêu ra hay không? Vì sao?".

Đề thi chọn Học sinh Giỏi môn Văn tỉnh TT-Huế: "Cảm xúc cũng cần được nghỉ ngơi như cảm cúm" ảnh 4
Đề thi chọn Học sinh Giỏi môn Văn tỉnh TT-Huế: "Cảm xúc cũng cần được nghỉ ngơi như cảm cúm" ảnh 5
Đề thi chọn Học sinh Giỏi môn Văn tỉnh TT-Huế: "Cảm xúc cũng cần được nghỉ ngơi như cảm cúm" ảnh 6

Bài viết "Cảm xúc" cũng cần được nghỉ ngơi như "cảm cúm" của tác giả Khánh An thuộc chuyên mục Voice of Teen trên báo Hoa Học Trò số 1391, Hoa Học Trò Online xin được trích nguyên văn nội dung để bạn đọc theo dõi.

“CẢM XÚC” CŨNG CẦN ĐƯỢC NGHỈ NGƠI NHƯ “CẢM CÚM”

Đợt học online năm lớp 10, mình nhận ra một điều rằng “buồn bã” cần được trở thành một lí do nghỉ học chính đáng. Một trong những ký ức mà mình có lẽ sẽ không bao giờ quên được là lần viết email xin phép giáo viên cho mình dời ngày thuyết trình, vì mình đang cảm thấy không ổn một chút nào.

Chiếc email sóng gió

Gửi Thầy R.

Em là Khánh An, học sinh lớp 10A môn ESL của thầy đây ạ. Em viết email này để xin phép thầy cho em dời ngày thuyết trình. Hiện tại, tâm lý của em đang không vững vàng, em đang bị stress và vừa cãi nhau với gia đình. Em sợ rằng sẽ không thể hoàn thành tốt bài diễn thuyết ngày mai, việc này vô cùng khó khăn đối với em. Em hi vọng thầy sẽ chấp nhận lời đề nghị này.

Em cảm ơn thầy rất nhiều,

Khánh An

Đó là nội dung chiếc email mình gửi cho thầy trước buổi thuyết trình. Buổi tối hôm ấy, tâm trạng căng thẳng đã rút cạn hết mọi năng lượng của mình và lấp đầy khoảng trống đó bằng nỗi buồn. Mình hoàn toàn không muốn và cũng không thể làm bất cứ việc gì hết.

Phản hồi lại chiếc email đó, thầy đã trả lời rằng thầy hiểu mình đang trải qua những gì, nhưng trong cuộc sống, có những ưu tiên khác cần phải được tập trung hơn. Hơn nữa, đây là bài nhóm, mình không nên làm liên lụy đến mọi người. Đại loại là thầy không đồng ý cho mình nghỉ học. Sáng hôm sau, lúc có nhóm kia bảo là không liên lạc được với thành viên, mình nghe thầy hỏi là “Có phải bạn tên là An Khanh Tran không?”.

Lời từ chối của thầy khiến mình suy nghĩ nhiều. Nếu mình bảo rằng mình bị sốt, bị đau bụng..., nói chung là bị vấn đề về thể chất, liệu thầy có cho mình nghỉ không?

“Cảm cúm” cảm xúc

Nếu lý do bị “cảm cúm” là hợp lý để được nghỉ học vì bệnh khiến việc tiếp thu bài vở khó khăn, thì điều tương tự cũng xảy ra với “cảm xúc”. Mình đã tìm hiểu và biết được rằng, năm 2017, Đại học Western Australia đã công bố một khảo sát về tác động của sức khoẻ tinh thần đến sự hiện diện, sự tham gia và kết quả học tập trong phạm vi 6.000 học sinh. Kết quả cho biết rằng, điểm số của học sinh mắc hội chứng tâm lý thấp hơn so với các bạn trong tất cả các bài kiểm tra. Hơn nữa, họ dễ bị bỏ lại phía sau trong tiến độ học tập chung. Động lực sống còn đang mỏng manh, làm sao ta tìm được sức mạnh để hoàn thành bài vở?

Bệnh tâm lý có thể được coi là một “đại dịch” thầm lặng. Tính đến thời điểm hiện tại (ngày 1/9/2022), số ca tử vong toàn cầu vì virus Corona là 6,4 triệu người. Trong khi đó, mỗi năm trung bình có đến 8 triệu cái chết liên quan đến các hội chứng tâm lý. Tại Việt Nam, sự lây nhiễm của đại dịch COVID-19 khiến 43.000 người ra đi, thì thống kê cho thấy trầm cảm cũng gây ra hơn 40.000 ca tự tử mỗi năm, theo báo cáo của Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Thời gian qua, chúng ta được cập nhật đều đặn cả “rổ” tin tức liên quan đến tình hình dịch bệnh. Vậy còn những cơn đau tâm lý thì sao?

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai (Khoa Nhi trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻrằng nhiều ba mẹ của các bạn mắc bệnh trầm cảm có vẻ không để tâm hoặc bỏ lơ những rủi ro của tình trạng sức khoẻ tâm thần. Thậm chí họ còn cho rằng thói quen tự làm hại bản thân đến từ việc bắt chước bạn bè.

Những câu nói “truyền động lực” như “Hãy mạnh mẽ lên!”, “Có gì đâu mà buồn”, “Đời tao khổ hơn mày nhiều mà tao có than thở gì đâu” tạo nên một bức tường vây xung quanh nạn nhân, gói họ vào một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Bức tường ấy cũng che đi nỗi đau khổ, giấu nhẹm đi tổn thương để người ngoài không còn nhìn thấy.

Và thế là “đại dịch” này tồn tại âm ỉ trong xã hội, ngôi nhà, ngôi trường của chúng ta, trừ khi chúng ta thay đổi cách nhìn nhận nó.

Ét ô ét, mình cần Ngày tâm lý!

Hãy tưởng tượng bạn được nghỉ học khi bị thất tình. Tuyệt vời nhỉ? Ít ra thì tạm thời “né” được người ấy nếu hai bạn chung trường.

Tại Mỹ đã có 12 bang cho phép học sinh nghỉ học để chăm sóc sức khoẻ tâm lý. Tiến sĩ Christine Crawford, Phó giám đốc y tế tại Liên minh Quốc gia về Bệnh Tâm thần tại Mỹ chia sẻ: “Toàn bộ mục đích của những ngày sức khỏe tâm thần là để nhận biết và thừa nhận thực tế rằng những triệu chứng từ các tình trạng liên quan đến sức khỏe tâm thần có thể cản trở khả năng hiện diện ở trường của một người trẻ tuổi”.

Một “Ngày tâm lý” giúp học sinh nghỉ ngơi và “sạc pin” cho chính mình. Lá đơn “xin nghỉ” được chấp thuận này mở ra cánh cửa cho trường học hỗ trợ học sinh gặp khó khăn và cho phép nạn nhân nắm lấy tay người giúp đỡ. Tổn thương tâm lý không dễ dàng được nhìn thấy như bệnh ho, nên chúng ta rất cần những cách gửi tín hiệu như thế này.

Bạn Nguyệt Minh (16 tuổi, TP.HCM) thủ thỉ rằng: “Mỗi lúc bị sụp đổ tinh thần (mental breakdown) là việc đi học trở nên vô cùng nặng về với mình. Kiểu như bị mất động lực cho mọi thứ, không muốn làm bất cứ việc gì, khóc cũng không được mà đứng dậy làm việc cũng không nổi. Mình cứ như thế nằm lướt TikTok trong vô vọng. Mình ước gì nhà trường có “Ngày tâm lý” để chúng ta chăm sóc sức khoẻ tinh thần và nhận được sự an ủi cần thiết”.

Học sinh trung học tại Việt Nam thường dành khoảng 8 - 10 tiếng/ ngày tại trường học. Với khoảng thời gian dài như vậy trong 224 ngày/ năm, trường học hoàn toàn có khả năng nhận biết một bạn học sinh đang gặp vấn đề, và cũng có thời gian để giúp đỡ bạn ấy. Việc cho phép “buồn” trở thành lí do nghỉ học là đang cho phép những tổn thương có cơ hội nhận được hỗ trợ kịp thời.

Có phải cứ “buồn” là nên nghỉ học?

Buồn thì cũng có “buồn this, buồn that”, không phải cứ thấy “mưa hỏng tạnh” là không đến trường.

Viện Tâm trí Trẻ em Hoa Kỳ (Child Mind Institute) lưu ý rằng những ngày sức khỏe tâm thần không dành để trốn tránh các lớp học hoặc bài tập.

Linh Giang, cố vấn tâm lý tại trường Vinschool Central Park (TP.HCM) cho biết nỗi buồn có nhiều cấp độ. Nếu chỉ đơn giản là phiền muộn thì không nên nghỉ học vì đến trường gặp bạn bè, thầy cô, nhìn thấy crush tươi cười cũng có thể tiếp thêm sức mạnh để ta vượt qua khó khăn!

“Khi nào nỗi buồn kéo dài, nhận thấy bản thân mệt mỏi thì hãy dành thời gian nghỉ ngơi, tạm thời tránh xa bài vở. Đa phần chúng ta kiệt sức là do làm quá nhiều điều mình không thích, và làm quá ít điều mình thật sự tận hưởng. Do đó, trong những ngày nghỉ, hãy dành thời gian chăm sóc sức khoẻ tinh thần bằng thực hành những sở thích như vẽ, xem phim, nghe nhạc, đi bộ... Tránh những thứ liên quan đến trường học nếu việc học là một khó khăn với con”, cô nhắn nhủ.

Vượt qua nỗi buồn cũng là vượt qua một dạng khó khăn. Cô Linh Giang chia sẻ rằng khi đã chiến thắng cảm xúc tiêu cực, những “chông gai” khác dường như trở nên nhẹ nhàng, đơn giản hơn nhiều.

Đối với mình, nỗi buồn, hay bất kỳ cảm-xúc-khó nào khác giống như những cơn mưa. Nó đến rồi đi mà không đợi sự “cho phép” của mình. Đôi khi vì sự việc cấp bách nào đó, chúng ta buộc phải lao vào trận mưa xối xả. Nếu sợ hãi, hãy nhờ một ai đó đồng hành cùng bạn vượt qua. Đôi khi, ta có thể tạm trú trong nhà. Và nếu có lỡ dính mưa, ta luôn có thể sưởi ấm sau đó, cho dù có đến trễ buổi hẹn.

Khánh An

Đề thi chọn Học sinh Giỏi môn Văn tỉnh TT-Huế: "Cảm xúc cũng cần được nghỉ ngơi như cảm cúm" ảnh 9
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm