Nếu có, không sao cả, bạn cũng như hơn 7 tỉ người trên thế giới này, đều sợ phải “phơi sáng” bản thân trước bàn dân thiên hạ, sợ nhận lấy những kết quả, những lời nhận xét tiêu cực. Nhưng có một điều ít người biết được, đôi khi sự yếu đuối cũng có sức mạnh và quyền năng vô song.
Chúng ta là con người, không phải sắt đá
Cứ khi nào nhắc đến từ vulnerable hay vulneralbility, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những người dễ bị tổn thương, hay nói cách khác là những kẻ mong manh dễ vỡ. Họ như một chiếc bình thủy tinh đựng đầy nước bên trong mà chỉ cần một cánh hoa rơi khẽ chạm vào thôi cũng sẽ khiến chiếc bình bị nứt và nước chảy túa ra. Không thể trách ai được, vì đó vốn là quan điểm, là cách định nghĩa đã được hình thành từ rất lâu trong tiềm thức của mỗi người. Chính vì thế, tính dễ bị tổn thương hay yếu đuối luôn được xem là một tính cách tiêu cực, có nhiều điểm trừ hơn điểm cộng. Chỉ có “bọn yếu đuối” mới giấu tiệt con người thật của mình. Chỉ có “bọn sợ bị tổn thương” mới không dám bày tỏ tình cảm, quan điểm, suy nghĩ thật vì sợ bị đánh giá hoặc tệ hơn là bị ném đá. Vậy là chúng ta nghĩ đến yếu đuối như một căn bệnh tâm lí đáng sợ.
Nhưng có một điều ít người nhận ra rằng, chính sự dễ bị tổn thương ấy đã khiến chúng ta mạnh mẽ hơn rất nhiều. Bởi điều đó có nghĩa là bạn đã dũng cảm đối mặt với những góc tối nhất, dễ bị tấn công nhất của bản thân để đạt được mục tiêu mình đã đặt ra. Bạn chấp nhận cuộc chơi, chấp nhận thử thách và dám đối mặt với những hậu quả đi theo sau nó.
Cái giá của yếu đuối
Tất nhiên khi cất đi lớp áo giáp bảo vệ và phơi bày bản thân hoàn toàn trần trụi, bạn sẽ phải chấp nhận cuộc đời sẽ ngay lập tức ném lao, phi tiêu, thậm chí là lựu đạn vào mặt bạn. Cái giá của việc đối mặt với tính dễ bị tổn thương, thực sự không hề nhỏ.
Thắng là cậu bạn nối khố của tôi. Niềm đam mê của Thắng là chơi ghi-ta. Năm 16 tuổi, cậu cùng ba người bạn nữa lập một ban nhạc và chơi Rock. Lần đầu tiên được trình diễn (tất nhiên là không có cát-xê) ở một quán nhỏ, Thắng đã hào hứng đặt một máy quay để ghi lại hình ảnh biểu diễn live đầu tiên của nhóm. Và tối hôm đó, khi Thắng xem lại những gì máy quay ghi được, bên cạnh hình ảnh và tiếng hát của cậu, loáng thoáng vài tiếng nhận xét của khách trong quán. Toàn những lời chê bai, bình phẩm đầy ác ý kiểu “Chơi thế này mà cũng đi biểu diễn, bẩn cả tai tao!”. Thắng kể lại rằng, sau khi nghe xong những lời ấy, cậu không dám sờ, thậm chí là nhìn cây đàn của mình trong suốt hai tuần, vì quá ám ảnh và thất vọng, chán nản.
Sau gần chục năm, giờ đây Thắng đã là một tay chơi ghi-ta có tiếng rất được săn đón. Thỉnh thoảng nhắc lại chuyện cũ, cậu vẫn tỏ vẻ biết ơn những kẻ đã chê bai mình năm nào. “Nếu như không có họ, có lẽ mình sẽ vẫn ảo tưởng sức mạnh rằng mình chơi đàn quá hay quá ổn rồi!”. Sau hai tuần không đụng đến đàn, Thắng đã quyết tâm sẽ phải làm người nghe thay đổi thái độ. Cậu lao vào tập luyện điên cuồng. Sáu tháng sau. Cậu diễn lại ở quán đó, và nhận được lời đề nghị diễn đều đặn, có cát-xê hẳn hoi từ chủ quán.
Vậy đó, cái giá khi bạn cho người khác có quyền thoải mái hắt nước vào mặt mình thực sự rất đắt. Nó có thể làm bạn ngã gục. Nhưng gục ngã vĩnh viễn hay đứng dậy đi tiếp là quyết định của bạn. Và nếu như bạn đủ dũng cảm để đối mặt với nó, thì phần thưởng dành cho bạn sẽ không hề nhỏ chút nào.
Bạn sẽ trở thành nguồn cảm hứng, sự động viên hoặc tấm gương để ai đó noi theo. Tính dễ bị tổn thương thực sự rất dễ lây lan. Bạn sẽ cho người khác sự dũng cảm để sống thật với bản thân, để biến những lời chê bôi, bỉ bai kia thành cú hích giúp bạn cố gắng nhiều hơn. Đừng để câu lạc bộ những kẻ ganh ghét cản đường bạn. Đừng để sự sợ hãi trói buộc bản thân bạn. Hãy bung mình ra, và thoát ra khỏi vùng an toàn nhạt nhẽo bí bách của chính mình. Thành công đang đứng chờ bạn ở ngay ngoài ranh giới ấy!
Quyền năng của tính dễ bị tổn thương
Có ai đó đã nói rằng “Những kẻ điên rồ nghĩ rằng mình có thể thay đổi hay giải cứu thế giới hóa ra lại chính là những anh hùng thật sự!”. Chúng ta đang sống trong kỉ nguyên ngập tràn những giá trị fake - giả tạo. Một cuộc đời lung linh lấp lánh như ai đó vẫn khoe khoang trên mạng xã hội, những app chỉnh sửa khiến chúng ta đôi khi còn không nhận ra khuôn mặt của mình, những tin nhắn bay qua bay lại và mọi người không thiết tha gọi cho nhau một cuộc điện thoại tử tế… Chính vì thế, sự thật thà bỗng dưng trở nên quá quý giá và rất được nâng niu.
Đã có lần tôi cãi nhau rất to với cô bạn thân nhất của mình. Rồi cái tôi của cả hai quá lớn, chúng tôi đã không chơi với nhau nữa, thậm chí còn nói xấu nhau công khai. Cho đến một ngày tôi nhận ra, tôi nhớ cô ấy. Nói đúng hơn là nhớ những gì chúng tôi đã có với nhau, một tình bạn mười năm có lẻ. Tôi thấy tiếc. Nhưng điều duy nhất ngăn tôi không mở mồm ra làm lành với cô ấy trước, chính là nỗi sợ hãi. Sợ hãi không biết cô ấy sẽ phản ứng thế nào. Sợ là cô ấy sẽ cười vào mặt mình và từ chối nối lại tình bạn. Thế rồi tôi đã làm một điều (mà bản thân khi ấy cho rằng hết sức điên rồ), đó là chủ động liên lạc trước, xin lỗi, làm hòa với cô ấy.
Thật ngạc nhiên, cô ấy vui vẻ nói chuyện với tôi ngay-lập-tức. Như chưa từng có cuộc cãi vã kia xảy ra. Mãi sau này khi nhắc lại, thì ra cô ấy cũng có chung cảm giác giống tôi. Cũng muốn làm hòa nhưng sợ bị từ chối.
Nỗi sợ hãi bị tổn thương đã ngăn chúng ta làm rất nhiều điều đúng đắn.
Thích ai đó nhưng sợ bị từ chối, vậy là ta chôn chặt tình cảm trong lòng, ngày ngày để nó gặm nhấm mình.
Nhớ ai đó nhưng sợ bày tỏ trước, vậy là chúng ta giả vờ rằng mình vẫn đang rất ổn.
Biết ai đó sai lè nhưng sợ tranh luận, sợ mất danh hiệu “hoa hậu thân thiện”, vậy là chúng ta nhắm mắt làm ngơ để họ thoải mái “múa rìu qua mắt thợ”.
Đã đến lúc cả bạn và tôi nên học cách kết thân với sự yếu đuối. Vì cuộc đời thật sự rất ngắn. Chúng ta chỉ sống trung bình khoảng 27.500 ngày trên đời. Bạn còn bao nhiêu thời gian? Để được là chính mình? Để sống như đúng những gì mình mong muốn?
Không phải lúc nào yếu đuối cũng là một điểm trừ đáng ghét. Những kẻ yếu đuối nhất, hóa ra lại chính là những người mạnh mẽ nhất, sống đúng với lòng mình nhất trên cõi đời này! Chỉ là bạn đã đủ dũng cảm để yếu đuối hay chưa?