“Đọc lấy số lượng” có giúp bạn trở thành “mọt sách” sành sỏi?

“Đọc lấy số lượng” có giúp bạn trở thành “mọt sách” sành sỏi?
HHT - Chúng ta luôn được khuyên phải đọc thật nhiều sách nhưng lại ít được chỉ dẫn về việc chọn sách để đọc. Rõ ràng “đọc lấy số lượng” không giúp chúng ta trở thành độc giả thông minh.

Bạn có đang tham gia vào "cuộc đua mọt sách"?

Theo số liệu thống kê của trang Goodreads - diễn đàn của hội “mọt sách”, có những người đặt mục tiêu phải đọc hết 190 cuốn sách một năm, có nghĩa là xấp xỉ 4 quyển sách một tuần. Trên mạng xã hội, ta thường bắt gặp những “chỉ tiêu” kiểu mỗi tháng phải đọc từ 5 - 6 quyển sách. Nghe qua thì có vẻ “siêu nhân” nhưng đọc lấy số lượng có làm nên độc giả thông thái?

“Đọc lấy số lượng” có giúp bạn trở thành “mọt sách” sành sỏi? ảnh 1

Ngân Hà (Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Khoảng thời gian năm lớp Chín, lớp Mười, mình và các bạn cùng lớp đã cố gắng đọc thật nhiều sách, đặc biệt là những quyển sách “kinh điển” mà ai cũng khuyên nên đọc một lòng trong đời như Nhà giả kim hay Hoàng tử bé. Tuy nhiên, sau một thời gian, việc nhồi nhét quá nhiều như vậy làm mình mệt mỏi và giá trị của cuốn sách là 10 thì mình chỉ cảm nhận được ở mức 5 hay 6 thôi. Sau đó mình nhận ra sai lầm của bản thân khi mải chạy theo số lượng mà quên mất chất lượng!”.

Bạn Phương Anh (THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) chia sẻ: “Mình là người đọc sách khá chậm, đọc một cuốn có thể tốn một tháng hơn, bạn bè hay cười mình là sao có cuốn sách mà cứ cầm từ ngày này qua tháng nọ, nhưng đọc sách theo mình là cần có cảm nhận và ngẫm nghĩ, để thấm nhuần những thông điệp và bài học về con người, cuộc sống trong đó. Ví dụ như khi mình đọc cuốn Đấu trường sinh tử của Suzanne Collins, đọc xong chương đầu thì mình sẽ ngừng lại và ngẫm về những hiện thực nước Mỹ được phản ánh qua những giả tưởng trong sách”.

Những câu châm ngôn đầy rẫy trên mạng xã hội như “Số sách bạn đọc hôm nay sẽ tương đương với số tiền bạn cầm trên tay sau này” dù mang ý nghĩa khuyến khích tích cực, lại vô tình khiến một số teen cố “đâm đầu” đọc sách mà làm mất đi niềm vui đọc và tạo thêm áp lực.

“Đọc lấy số lượng” có giúp bạn trở thành “mọt sách” sành sỏi? ảnh 2

Bạn thường mua sách vì mục đích gì chưa? Nhiều người mua sách theo nhu cầu kiến thức của bản thân, một số lại mua vô tội vạ và đọc một cách rất hời hợt để rồi mau chóng xếp chúng lên giá sách. Đôi khi chính cái việc xếp thật nhiều sách lên chiếc kệ mới là thứ chúng ta thực sự ham muốn chứ không phải vì những điều kì diệu trong những quyển sách. Như cơn nghiện mua sắm, những con nghiện mua sách tìm ra niềm vui trong việc rước về thật nhiều sách.

Có một câu danh ngôn rằng: “Giá trị của một cuốn sách là những gì mà bạn mang đi từ nó”. Sasaki Fumio - tác giả cuốn sách có tác động lớn đến nhiều người mang tên Lối sống tối giản của người Nhật chia sẻ quan điểm rằng chúng ta không nên xem kệ sách hoành tráng là biểu tượng của sự hiểu biết. Sách đơn giản chỉ là phương tiện truyền đạt tri thức.

Ba bí kíp trở thành người đọc sách thông minh 

1. Lọc sách, lọc tinh thần

Đầu tiên, chúng mình cần xác định việc đọc sách như một sở thích, một thói quen, chứ không phải là việc mà ta làm cốt chỉ để hoàn thiện bản thân. Theo trang qz.com (Quartzy), thời đại của chúng ta biến mọi thứ, ngay cả việc đọc sách, thành một hoạt động cạnh tranh gây nên nhiều áp lực: Nó đã bị làm tệ đi bởi mục tiêu, sự phân cấp và phân loại. Điều này có nghĩa là, chúng ta đang đọc sách bởi vì mong muốn có được kiến thức và sự công nhận một cách nhanh nhất, chứ không phải vì niềm vui thích cho bản thân.

“Đọc lấy số lượng” có giúp bạn trở thành “mọt sách” sành sỏi? ảnh 3

Vì thế khi đọc sách hãy đọc những gì bạn thật sự thích. “Gò” mình theo sở thích của người khác quả thật là ác mộng. Túm lấy quyển sách bạn đang “tăm tia” đó ngay và đọc thật thoả thích nào, vì những giá trị của một cuốn sách nằm ở chỗ bạn học được gì từ nó mà!

2. Không đặt mục tiêu quá cao

Việc tạo áp lực bản thân phải đọc thật nhiều sách trong một tuần thì thật là không nên. Thay vào đó hãy hạ tiêu chuẩn số lượng sách xuống, và nâng thời gian đọc sách lên. Chẳng hạn khi chờ xe buýt/ giờ ăn trưa xong không có gì làm…, một quyển sách hay sẽ là bạn đồng hành đắc lực của bạn, miễn sao bạn luôn nhớ mang người bạn ấy theo. Bằng cách này, bạn sẽ “giết thời gian” thật hiệu quả và tăng hiệu suất đọc sách lên đáng kể!

3. Tạo cảm hứng đọc sách với nhiều người

Cuối cùng, còn gì vui bằng đọc sách và chia sẻ với những người cùng sở thích với mình. Tham gia vào cộng đồng thích đọc sách của thế giới như Goodreads chẳng hạn. Trang này thường chia sẻ nhiều bài nhận xét của người đọc sách khắp nơi trên thế giới với rất nhiều đầu sách sẽ giúp bạn tìm ra được quyển sách phù hợp.

“Đọc lấy số lượng” có giúp bạn trở thành “mọt sách” sành sỏi? ảnh 4

Cuối cùng, chuẩn bị sổ tay và bút để ghi chép. Khi có một bài học hay một câu danh ngôn đáng ghi nhớ, bạn có thể viết ra ngay vào quyển sổ cận kề bên mình để lưu giữ, sử dụng làm dẫn chứng cho các bài luận, bài văn. Sau này đọc lại, bạn sẽ ngạc nhiên vì những điều hay ho mà mình đã ghi chép được đấy!

Theo Tuần san Hoa Học Trò
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm