Đời không chỉ là một kỳ thi, và thất bại là đặc quyền của tuổi trẻ!

Đời không chỉ là một kỳ thi, và thất bại là đặc quyền của tuổi trẻ!
HHT - Tháng Sáu vừa qua, gần ba triệu học sinh bước vào các kì thi chuyển cấp quan trọng. Nhưng, nếu một thí sinh rớt khỏi nguyện vọng vào trường yêu thích, thì thực sự cuộc đời bạn ấy có phải chỉ còn mờ mịt? Câu trả lời luôn là KHÔNG!

Áp lực của chữ “rớt”

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, năm nay, khoảng 866.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT Quốc gia, trong đó 75% (hơn 640.000 bạn) thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường Đại học và Cao đẳng sư phạm thuộc Bộ GD&ĐT là 392.000. Vậy, hơn 60,3% thí sinh dự thi có cơ hội bước vào Đại học. Còn con số 248.000 thí sinh không đủ điểm cạnh tranh sẽ ra sao?

Tương tự, năm nay TP.HCM có khoảng 81.000 thí sinh dự thi vào lớp 10, tăng 13.000 thí sinh nhưng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập năm nay giảm mạnh. Mười mấy nghìn bạn không đỗ vào công lập tính thế nào?

Bên cạnh đó, kì thi tuyển sinh vào các trường THCS chuyên cũng đặt một áp lực không nhỏ tới các em học sinh lớp Năm, lớp Chín. Theo báo cáo của trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), tỉ lệ chọi vào trường sẽ là 1/7. Nghĩa là cứ 7 em thì sẽ có tới 6 em không đạt được kì vọng của bản thân và gia đình.

Đời không chỉ là một kỳ thi, và thất bại là đặc quyền của tuổi trẻ! ảnh 1

Trong một xã hội coi trọng việc học tập như Việt Nam, chữ “rớt” là nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất. Vì thành công của một học sinh cả chục năm đèn sách đều chỉ gói gọn trong một, hai kỳ thi, nên cứ mỗi lần tới kì thi chuyển cấp, áp lực lại được đẩy lên tới mức tối đa.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở các bạn trẻ (chỉ xếp sau tai nạn giao thông). Hằng năm, bệnh viện tâm thần TP.HCM tiếp nhận từ 30.000 - 50.000 ca khám bệnh tâm lý từ các bạn trẻ độ tuổi 13 - 18. Đặc biệt căng thẳng là kì thi lấy điểm xét vào Đại học, khi rớt khỏi ngôi trường yêu thích, các bạn trẻ dễ dẫn tới trạng thái chán nản, tê liệt, và mất hết niềm tin vào cuộc sống.

Nhưng liệu thất bại ở một kì thi có tồi tệ tới mức như thế không? Nó có phải là dấu chấm hết cho tương lai của chúng ta?

Tương lai vốn dĩ là bất định

“Hơn 80% ngành nghề trong tương lai không có ở hiện tại”, Hiệu trưởng của trường Đại học Minerva (Mỹ) đã chia sẻ.

Đời không chỉ là một kỳ thi, và thất bại là đặc quyền của tuổi trẻ! ảnh 2

Trước mỗi kỳ thi Đại học, chắc chắn mỗi bạn đều từng làm qua các trắc nghiệm nghề nghiệp, theo dõi các báo cáo xu hướng nghề, xem học cái gì để sau này kiếm được nhiều tiền mỗi tháng. Tuy nhiên, chỉ với 12 năm học, thậm chí, còn chưa từng có bất kì một hoạt động ngoại khoá nào, thì làm sao một học sinh có thể biết chính xác chúng ta thích ngành gì gì, phù hợp với nghề gì? Hầu hết các bài trắc nghiệm nghề đều dựa vào tính cách và sở thích, nhưng đó lại là hai yếu tố dễ thay đổi nhất của con người dưới tác động của ngoại cảnh. Đó chính là lý do, hàng năm, có hơn 75% sinh viên ra trường làm trái ngành trái nghề (Báo cáo của Viện nhân lực Việt Nam).

Cách đây 11 năm, không ai nghĩ tới việc tờ báo lớn nhất trên thế giới chính là Facebook, và kéo theo đó là những ngành nghề liên quan tới các trang mạng xã hội này. Trong khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra - nơi mà chỉ cần bạn nhắm mắt ngủ một đêm, sáng mai tỉnh dậy là có hàng ngàn sáng chế và phát minh ra đời, vĩnh viễn thay đổi cuộc sống của bạn - thì tương lai sẽ còn bất định hơn rất nhiều. Vậy bạn có chắc chắn, những ngành bạn chọn trong tương lai sẽ không mất đi không?

Chính vì tương lai bất định này nên thứ mà chúng ta có thể làm tốt nhất chính là chuẩn bị để thích ứng với nó. Chứ không chỉ là đậu một kỳ thi!

Quyền tự do thất bại

Thay vì ngồi đợi chờ nền giáo dục này thay đổi, bạn hoàn toàn có thể tận dụng thất bại lần này của chính bản thân để tạo ra sự đột phá.

Đời không chỉ là một kỳ thi, và thất bại là đặc quyền của tuổi trẻ! ảnh 3

Khi rớt Đại học, thay vì oán trách và chán nản, hãy mạnh mẽ dấn thân vào những ngành nghề bạn đang mong muốn, xem có thật sự phù hợp không. Thích Báo chí, nhưng bạn rớt khoa Báo chí truyền thông, vậy hãy xin vào cộng tác ở một tờ báo để thử việc viết lách, để có cái nhìn sâu hơn vào ngành nghề này. Trong một năm “gap year” ấy, hãy học thêm các lớp học kỹ năng mà trường học không có như thiết kế, vẽ tranh, nhảy múa...

Trong một năm ấy, bạn có thể ôn thi Đại học lại, hoặc tìm kiếm con đường du học hoặc lựa chọn một ngôi trường phù hợp hơn. Dù bạn tin hay không, các ngôi trường danh tiếng trên thế giới đánh giá một học sinh bảo lưu cao hơn một học sinh bình thường rất nhiều. Vì bảo lưu nghĩa là bạn có nhiều trải nghiệm hơn, và sẵn sàng cho việc bước ra từ thất bại.

“Facebook không phải là thứ đầu tiên tôi xây dựng. J.K Rowling cũng bị từ chối 12 lần trước khi viết và xuất bản được Harry Porter. Beyoncé cũng phải làm cả trăm bài hát mới có Halo. Thành công vĩ đại nhất đến từ sự tự do thất bại” - Mark Zukerberg đã chia sẻ như thế trong buổi lễ tốt nghiệp tại Đại học Harvard.

Đời không chỉ là một kỳ thi, và thất bại là đặc quyền của tuổi trẻ! ảnh 4

“Rớt” kỳ thi là một thất bại. Nhưng trong thời điểm này, thất bại là một đặc quyền của bạn vì bạn còn rất nhiều thời gian để hoàn thiện bản thân. Thậm chí càng sớm nhận ra yếu điểm, sai lầm của mình để rút kinh nghiệm và điều chỉnh thì bạn càng có cơ hội bật xa hơn trong tương lai. Cuộc sống này rồi sẽ có rất nhiều cuộc thi, việc rớt một cuộc thi như thi vào Đại học, chẳng qua chỉ là một bài tập nho nhỏ để bạn thử nghiệm mà thôi.

Đừng để cho bất kì một ai trong xã hội này tước đoạt “quyền được thất bại” của bạn, và khiến bạn nghĩ rằng thất bại chính là dấu chấm hết.

Ngẩng cao đầu, và bước tiếp, bạn nhé!

TANPOPO ĐOÀN PHƯƠNG LINH

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Yên Bái xuất hiện mưa đá, trời sập tối giữa ban ngày, cảnh báo mưa dông ở Hà Nội

Yên Bái xuất hiện mưa đá, trời sập tối giữa ban ngày, cảnh báo mưa dông ở Hà Nội

HHT - Hôm nay (28/3), Yên Bái đã có mưa to. Đặc biệt sáng nay, mưa đá đã xuất hiện trên hầu khắp các địa bàn tại huyện Mù Cang Chải. Từ chiều tối nay (28/3), do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao, nhiều nơi tại miền Bắc, trong đó có Hà Nội chuyển mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to.