Food stylist - những nghệ sĩ "xếp đồ ăn lên đĩa"

Food stylist - những nghệ sĩ "xếp đồ ăn lên đĩa"
HHT - Đằng sau những đĩa thức ăn "nhìn là thấy đói" là rất nhiều kiến thức, sự sáng tạo và công phu trình bày của các food stylist.

Không chỉ đơn giản là sắp xếp

Food stylist có thể đã khởi đầu vào những năm 50 của thế kỷ trước tại Mỹ. Lúc đó, những người làm nghề này đa phần là phụ nữ có bằng cấp liên quan tới ẩm thực. Cho đến những năm 1960, khi có xu hướng chuyển từ hình ảnh hoạt họa quảng cáo sản phẩm sang ảnh chụp, người ta bắt đầu quan tâm nhiều đến food stylist và nghề này cũng cũng trở nên phổ biến hơn.

Food stylist - những nghệ sĩ "xếp đồ ăn lên đĩa" ảnh 1

Khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, nghề trình bày món ăn mới được nhiều người Việt biết đến và trở thành một trong những nghề được rất nhiều bạn trẻ yêu thích, mong muốn được tìm hiểu.

Rất nhiều người trẻ hiện nay hiểu rằng: Food stylist chỉ đơn giản là việc sắp xếp đồ ăn sao cho đẹp mắt, hợp bố cục khi chụp ảnh và dễ dàng kiếm tiền từ chúng. Nhưng đối với những food stylist chuyên nghiệp đó là một lối suy nghĩ khá viển vông lại thiếu tính thực tế.

Bởi, công việc này bao gồm từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến khâu nấu nướng và decor (dàn cảnh) cho món ăn. Công việc này không chỉ đòi hỏi mặt kiến thức, kỹ năng mà còn có sự sáng tạo, gu thẩm mỹ... 

Nguyễn Thùy Dương là food stylist chuyên nghiệp, đồng sáng lập Deto Concept – một studio chụp ảnh đồ ăn.

Dương chia sẻ: “Để theo đuổi con đường của food stylist chuyên nghiệp, nấu ăn giỏi là một lợi thế cực kỳ lớn bởi đây là nghề liên quan đến ẩm thực. Trên thế giới có rất nhiều người từng là đầu bếp trước khi theo đuổi nghề food stylist. Bạn có thể giỏi nấu nướng trước khi giỏi làm đẹp hoặc giỏi làm đẹp sau đó học nấu cũng không sao. Mỗi một lựa chọn đều có lợi thế riêng, nhưng quan trọng là bạn tiến bộ thế nào để sử dụng cả hai lợi thế cùng lúc thôi.

“Đặc biệt đây còn là nghề có chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Khi mới vào nghề các bạn cần phải có kiến thức để nấu ăn, chuẩn bị các trang thiết bị, dụng cụ cho nhà bếp, mà đối với bản thân mình những đồ dùng này không hề rẻ. Tiếp đến là nguyên liệu chế biến phải thật tươi sống để thực tập", Thùy Dương nói thêm.

Food stylist - những nghệ sĩ "xếp đồ ăn lên đĩa" ảnh 2

Ngoài tình yêu nghề, sự am hiểu về chuyên môn, khả năng định hướng thẩm mỹ cao, một food stylist giỏi còn phải biết chiều khách hàng nhưng vẫn giữ được bản lĩnh giữa những cơn bão khen chê, biết thuyết phục khách hàng thay vì để họ xoay bạn như chong chóng.

Trang trí đồ ăn là nghề của sự sáng tạo, của những cảm nhận khác nhau về cái đẹp vì vậy, thuyết phục được người khác nhìn và cảm nhận bằng con mắt của mình không phải là điều dễ dàng.

Cuộc sống vạ vật, khốn khổ vì đi đây đi đó

Bạn thường xuyên thấy các food stylist đăng tải những bức ảnh chụp đồ ăn lung linh không tỳ vết. Chúng vừa đủ màu sắc, bố cục đẹp mắt, đủ ánh sáng, thậm chí là được check-in tại những khu resort, khách sạn 5 sao đầy sang chảnh. Nhưng đừng vội mừng, cũng đừng vội ao ước bởi chỉ những người trong nghề mới hiểu được, để tạo ra một bức ảnh lung linh lại là công sức của cả một ê-kíp từ đạo diễn, food stylist, food photographer (người chụp ảnh), đội ngũ trợ lý... và những ngày làm việc liên tục đến 24 giờ.

Thùy Dương kể: “Nghề này không nhàn hạ đâu, thu nhập cao là đúng những chúng đòi hỏi quá trời kiến thức luôn. Bạn hãy thử tưởng tượng, nay nấu đồ Việt, mai chụp đồ Thái, ngày kia chụp đồ Nhật, rồi sang tuần chụp đồ Italy, Pháp, Tây Ban Nha... thì bạn phải tìm hiểu xem ẩm thực của nước họ như thế nào để hiểu mà chụp. Kiến thức ẩm thực rộng lớn, đi kèm với nó là văn hóa, lịch sử tính chất dân tộc, vùng miền... do vậy đối với food stylist trau dồi kiến thức không bao giờ là đủ".

Food stylist - những nghệ sĩ "xếp đồ ăn lên đĩa" ảnh 3
Thùy Dương (thứ hai từ phải sang) và các đồng nghiệp.

Một food stylist bản lĩnh còn phải là người dám lăn xả với nghề bởi nghề này rất vất vả. Nhiều người đùa nhau rằng, cứ thử vào nghề rồi mới biết cực thế nào chứ nghe kể chắc chẳng ai biết biết sợ đâu.

Nghề này thu nhập vài nghìn đô nhưng phải đánh đổi thời gian, sức khỏe. Cái gì cũng có giá của nó, nhưng nếu bạn có thể đáp ứng được toàn bộ những điều trên thì chắc chắn bạn sẽ được trọng dụng ngay bởi trên thị trường hiện nay food stylist vẫn thiếu chứ người chụp ảnh thì rất nhiều.

“Rồi đến lịch quay dày đặc, có khi 1 – 2 ngày và thậm chí đến vài ngày mới xong nên việc bạn ăn ngủ tại trường quay đến khi hoàn thành là chuyện thường.

Việc phải di chuyển rất nhiều nơi sẽ khiến những chuyến đi đó đây dần trở nên... đáng sợ thay vì hào hứng như xưa. Cộng với việc ăn ngủ không điều độ khiến food stylist dễ mắc bệnh về đường ruột, dạ dày”, Thùy Dương bật mí.

Dành cả thanh xuân để nghĩ về đồ ăn

Đối với các food stylist cuộc sống sẽ là chuỗi ngày dài chỉ suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến đồ ăn. Bạn xem ti-vi cũng là xem show nấu ăn, đọc sách chọn sách nấu ăn, online cũng đọc tin liên quan đồ ăn, lặp lại những công việc này hàng ngày và bỗng dưng một ngày nhận ra mình có phản xạ nhạy bén với đồ ăn từ việc ăn gì, uống gì và làm thế nào để chúng trở nên đẹp hơn trước khi ăn. Nói tóm lại là các food stylist sẽ styling ở mọi lúc, mọi nơi và bật chế độ tự sắp xếp khi nhìn thấy đồ ăn.

Chính vì vậy, food stylist cũng giống như các nghề khác, cũng vất vả, cũng cần sự lăn xả để tạo nên những bức hình sống ảo đẹp đến với người xem. Nhưng nếu họ đã làm được, họ đã cháy và theo đuổi đam mê của mình, bạn có dám thử không?

Food stylist - những nghệ sĩ "xếp đồ ăn lên đĩa" ảnh 4

Làm thế nào để trở thành food stylist?

Theo Thùy Dương, một food stylist cần có 2 yếu tố cơ bản:

Thứ 1: Khả năng định hướng thẩm mỹ tốt

Thứ 2: Biết cách nấu, xử lí nguyên liệu

Food stylist chuyên nghiệp cần thêm 3 yếu tố:

Thứ 3: Thái độ chăm chỉ, cầu tiến chịu khó học hỏi và phát triển bản thân.

Thứ 4: Có trách nhiệm và khả năng làm việc theo nhóm.

Thứ 5: Chủ động, dám lăn xả và có sức khỏe tốt, chịu được áp lực.

Các tips khác:

Học đồ họa: Bạn sẽ biết thêm một số kiến thức về chụp hình, các phần mềm chỉnh sửa ảnh Photoshop, Lightroom; thiết kế như Illustractor, In Design... Bạn có thể đăng ký học đồ họa tại các trường như Arena Multimedia, FPT Arena, Aptech.

Xem các TV Show về food, cooking online của nước ngoài, nghiên cứu phân tích ảnh của họ xem tại sao đẹp và đưa ra định hướng về cái đẹp cho mình. 

Đọc sách, tạp chí về đồ ăn

Học nấu ăn: Bạn có thể học ở nhà hoặc tham gia các khóa học về nấu nướng.

Nếu có điều kiện hãy đi du lịch và khám phá ẩm thực. Điều này rất thực tế vì khi làm food stylist bạn sẽ có những dự án thương mại, bạn cần hiểu xu hướng ẩm thực, nên biết người ta muốn ăn cái gì, thích nhìn thấy đồ ăn như thế nào. 

Theo ione.vnexpress.net
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

Dịp lễ 30/4 - 1/5, Hà Nội có nóng lên tới 41 độ C như ứng dụng thời tiết dự báo?

HHT - Nắng nóng sẽ diễn ra tại hầu hết các địa phương trên cả nước trong dịp nghỉ lễ, nếu có kế hoạch du lịch, vui chơi ngoài trời cần chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng cường chống nắng tránh nguy cơ say nóng, đột quỵ. Thế nhưng liệu Hà Nội có nóng tới tận 41 độ C như dự báo của các ứng dụng thời tiết?