Gia đình ly kỳ truyện: Sống trong "viện dưỡng lão"

Gia đình ly kỳ truyện: Sống trong "viện dưỡng lão"
HHT - Là thành viên nhỏ tuổi lạc lõng trong ngôi nhà được cả khu phố “gọi yêu” là “viện dưỡng lão”, cuộc sống của tớ như bị kéo về thời kỳ những năm “ơ kìa” xa lắc xa lơ.

“Hồ sơ” gia đình tớ:

- Ba tớ: Một thầy giáo sắp đến tuổi hưu, dạy nhạc cụ tại một trường học cấp Hai.

- Mẹ tớ: Người phụ nữ “đa-zi-năng”, kiêm chức vụ đầu bếp tại gia vừa là cô “y tá” chu đáo của viện.

- Hội người cao tuổi: Cặp “tình nhân” không tuổi - ông nội và bà nội tớ; cặp tỉ muội “song kiếm hợp bích” - bà Ba và bà Tư, tức là em của ông nội tớ.

- Tớ: Teen girl 16 tuổi, “bánh bèo vô dụng” của gia đình, đôi khi hướng ngoại và “nổi loạn có tổ chức”.

Cuộc “định cư” bất ngờ

Là con một trong nhà, lại ở cùng bố mẹ ông bà nên tớ rất thích có một đứa em để chia bớt cảm giác tủi thân giữa “một rừng” người lớn. Thế rồi một hôm, mẹ trịnh trọng tuyên bố với tớ rằng: “Nhà ta sắp có thêm thành viên mới”. Khỏi phải nói tớ đã sướng rơn nghĩ rằng cái ngày mình lên chức “chị đại” cuối cùng cũng đến. Thế nhưng, tớ lập tức đơ như cây cơ khi vỡ lẽ, thành viên mới hoá ra không phải là em bé mà đến tận hai người lớn tuổi - em của ông nội.

Cùng với việc gia đình tăng “nhân khẩu”, tớ phải ngậm ngùi gói ghém đồ đạc sang phòng bố mẹ “định cư”, nhường căn phòng riêng thân yêu lại cho hai bà. Vốn đã lạc lõng vì nhỏ nhất nhà, sự gia tăng “độ tuổi trung bình” đột ngột này càng làm tớ không thể thích nghi kịp.

Gia đình ly kỳ truyện: Sống trong "viện dưỡng lão" ảnh 1

Ở nhà mà cảm giác như “xuyên không”

Nhà tớ vốn mini, âm thanh truyền từ phòng nọ qua phòng kia thông thống, vậy nên giờ ông bà nội ngủ cũng là lúc mọi hoạt động trong nhà phải “đóng băng”, tuyệt đối yên tĩnh. Bữa đầu hai bà “hạ cánh”, cả hội người cao tuổi thức thâu đêm để “ôn lại kỉ niệm xưa” làm tớ tưởng rằng “giờ giới nghiêm” 10 giờ tối sẽ được nới ra thêm vài tiếng. Nhưng tớ đã lầm to! Những đêm sau đó, “viện dưỡng lão” chốt lịch “tắt đèn” vào lúc 9 giờ và mỗi sáng lại “khuyến mãi” thêm “dịch vụ báo thức” lúc 5 giờ sáng bằng tiếng tivi ở phòng khách. Vốn là cú đêm ngủ nướng, sự thay đổi này với tớ thật như cực hình. Chưa kể dùng chung phòng với bố mẹ, tớ phải ngậm ngùi bái bai chuyện thức khuya lướt Facebook hay “luyện phim”.

Gia đình ly kỳ truyện: Sống trong "viện dưỡng lão" ảnh 2

Đi học từ sáng tới tối nên thỉnh thoảng tớ vẫn được mẹ làm giúp những việc như ủi quần áo hay dọn dẹp phòng. Nhưng kể từ khi có hai bà, tớ luôn được nghe bài giảng quen thuộc rằng con gái lớn rồi phải đảm đang, phụ giúp bố mẹ, tự ủi quần áo, giặt giũ, quét nhà… và 1001 công việc cô Tấm khác. Quyển vở tớ để quên ở phòng khách có 5 phút đã bị “kết tội” bê bối, tớ lỡ tay làm vỡ bát khi đang rửa thì các bà lập tức chẹp miệng “có tí việc cũng làm không xong”. Rồi cả những sở thích rất bình thường của tớ trước kia như vẽ một hình henna nhỏ ở cổ tay, thích nghe nhạc sôi động hay quen miệng nói vài câu tiếng Anh (tớ là dân chuyên Anh) đều bị các bà nghiêm khắc cho vào “sổ đen”. Ở nhà, tớ luôn phải khép nép cẩn trọng từng lời nói, cử chỉ còn hơn cả khi ở trường làm tớ thấy tù túng kinh khủng.

Gia đình ly kỳ truyện: Sống trong "viện dưỡng lão" ảnh 3

Thế rồi có lần, Trân - cô bạn “cạ cứng” đến nhà rủ tớ đi chơi ngay lúc “hội người cao tuổi” đang nói chuyện trước nhà. Là du học sinh mới từ Mỹ về nên bạn í ăn mặc vô cùng thoải mái: Tóc nhuộm vàng, áo lệch vai, soóc jeans ngắn. Vậy là bà Tư khó tính nhất trong “hội người già” lên tiếng luôn: “Cháu có nhầm địa chỉ không chứ cháu bà làm sao chơi với những người quậy phá như vậy”. Từ trong nhà bước ra, tớ vừa ngượng vừa khó xử nên kéo tay Trân chạy biến.

Ai ngờ khi về nhà, tớ bị “hội người cao tuổi” rầy la “không biết chọn bạn mà chơi” và cấm “giao du” với Trân nữa. Nghe những lời phán xét không đúng về “cạ cứng”, kèm những bức xúc bấy lâu nay dồn nén, tớ lớn tiếng: “Bạn con là du học sinh. Các ông bà có thể đừng cổ hủ quá không!” rồi đi nhanh về phòng và đóng cửa thật mạnh. Những ngày sau đó, không khí trong gia đình trở nên căng thẳng, tớ trở thành đứa con ngỗ nghịch bị bạn bè làm hư. Mẹ chẳng những răn đe tớ vì tội hỗn hào với ông bà mà còn cấm tiệt tớ đi chơi và cắt luôn Internet.

Gia đình ly kỳ truyện: Sống trong "viện dưỡng lão" ảnh 4

“Dò sóng” hội người cao tuổi

Một hôm tớ nghe lỏm được hai bà đang nhen nhóm ý định mở hàng xôi “gia truyền” trước nhà. Lập tức tớ nghĩ rằng sắp tới mình lại chịu cảnh “mệt phờ râu” chạy tới chạy lui để phụ giúp. Nhưng từ lúc hàng xôi “khai trương” đến cả khi bắt đầu đông khách, tớ bất ngờ vì mình chưa một lần nào bị sai vặt. Nhìn các bà tuổi đã ngoài 70 mà vẫn thức khuya dậy sớm nấu xôi dọn hàng so với những người cao tuổi thong thả tập dưỡng sinh ngoài công viên mỗi sáng, tự nhiên tớ cảm thấy mủi lòng. Vậy là tớ tìm đến “đồng minh” là bà nội - người lớn tuổi hiền lành nhất trong nhà để “cải chính” thông tin về “cạ cứng”, rằng bạn ấy là người “đứng đắn”, giành được học bổng hẳn hoi và phong cách của bạn í chỉ là xu hướng chung của giới trẻ hiện nay thôi. Rồi tớ canh giờ bật các chương trình tivi về du học sinh các nước, lên mạng tìm những hình ảnh bài báo rồi in ra, mời Trân tới nhà chơi một lần nữa để ông bà thấy rằng bạn í không “quậy phá” như ông bà nhìn nhận.

Gia đình ly kỳ truyện: Sống trong "viện dưỡng lão" ảnh 5

Tớ biết suy nghĩ truyền thống của ông bà khó mà thay đổi ngày một ngày hai nên chủ động “trà trộn” vào những cuộc “đàm đạo” của ông bà hóng chuyện. Tớ khám phá ra rằng, hai bà mở hàng xôi không phải vì rảnh rỗi không có chuyện làm, mà là muốn phụ giúp tiền chợ để gánh nặng tài chính gia đình không đè nặng lên vai ba tớ. Giữa những câu chuyện không đầu không cuối, ông bà cứ hay quên mà kể đi kể lại, tớ nhận ra sự quan trọng của những giá trị xưa cũ đối với ông bà. Thỉnh thoảng tớ cũng trở thành “chủ xị” kể chuyện, để ông bà hiểu hơn về giới trẻ mình bây giờ, không phải cứ đổi thay là theo chiều hướng xấu. “Hội người cao tuổi” chính thức đặc cách cho tớ làm thành viên và chuyển thành “hội tám chuyện”. Từ đó nhà tớ không thiếu những giây phút xì-tin dâu khi nghe ông bà kể những “chuyện xấu” của ba thời “cởi truồng tắm mưa” hay khi tớ trở thành “cô giáo” dạy “công nghệ smartphone” cho mọi người.

Giờ thì tớ đã hoàn toàn đồng tình với câu nói: “Có người lớn tuổi trong nhà như của quý trong rương”. Chúng mình hoàn toàn có thể “kết bạn” với ông bà nếu chịu lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ.

DAOTAOLAO

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm