Xếp hạng trường đại học là xếp hạng điều gì?
Có rất nhiều hệ thống xếp hạng các trường đại học trên thế giới mà mỗi hệ thống lại sử dụng một bộ tiêu chí để đánh giá và xếp hạng khác nhau.
Có ba hệ thống xếp hạng được xem là phổ biến và uy tín nhất hiện tại, bao gồm Quacquarelli Symonds World University Rankings (QS), Time Higher Education World University Rankings (THE) và Academic Rankings of World Universities (ARWU).
Ba bảng xếp hạng này có những tiêu chí khác biệt nhất định. THE xếp hạng dựa vào môi trường học thuật (30% - bảng khảo sát danh tiếng, tỉ lệ giảng viên - học sinh), số lượng và thu nhập từ các bài nghiên cứu (30%), số lượng trích dẫn (30%), thu nhập của sinh viên sau tốt nghiệp, phần trăm sinh viên và giảng viên quốc tế.
ARWU bên cạnh tiêu chí về xuất bản nghiên cứu, có điểm đặc biệt là đánh giá chất lượng giảng dạy và chất lượng giảng viên dựa trên số lượng cựu học sinh hoặc giảng viên đạt được các giải thưởng danh giá trong lĩnh vực như giải Nobel (20%) hoặc có lượt được trích dẫn cao (20%).
Trong khi đó, điểm đặc biệt của QS là phần lớn điểm (40%) được tính vào tiêu chí danh tiếng học thuật dựa trên khảo sát quốc tế. Đối với bảng QS Asian University Ranking (QS đại học châu Á - QS AUR), danh tiếng học thuật chiếm 30%, đánh giá của nhà tuyển dụng chiếm 20%, còn lại là về xuất bản nghiên cứu, số lượng giảng viên có bằng Tiến sĩ, lượng sinh viên/ giảng viên quốc tế và lượng sinh viên trao đổi quốc tế.
Trong bảng xếp hạng năm 2022, có 11 trường đại học Việt Nam xuất hiện trong bảng xếp hạng QS AUR với thứ hạng cao nhất là 142 của trường Đại học Tôn Đức Thắng, thấp nhất là nhóm 601 - 650 của trường Đại học Công Nghiệp TP.HCM. Ngoài ra, có 5 trường đại học Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng THE với vị trí cao nhất nằm trong nhóm 401 - 500 của trường Đại học Duy Tân và Đại học Tôn Đức Thắng, nhóm 1001 - 1200 của Đại học Quốc Gia Hà Nội, và nhóm 1201+ của Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Quốc Gia TP.HCM. Thứ hạng này có sự thay đổi tùy theo từng nhóm ngành.
Sự xuất hiện của các trường đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng này mang ý nghĩa chính về danh tiếng học thuật, đánh giá của nhà tuyển dụng, số lượng xuất bản và lượng được trích dẫn nghiên cứu của các giảng viên, sinh viên.
Thứ hạng có phản ánh chất lượng giảng dạy?
Như đã đề cập về các tiêu chí bên trên, đa số các bảng xếp hạng đều không cân nhắc, hoặc không đề cao yếu tố sự hài lòng của sinh viên hay độ hiệu quả của cách thức giảng dạy mà chỉ tập trung vào danh tiếng, giải thưởng, tỉ lệ giảng viên - sinh viên, và số lượng bài nghiên cứu. Điều này vô hình trung tạo ra một “mảng xám” trong giáo dục giữa việc thúc đẩy phát triển chất lượng hoặc lao vào “cuộc đua” danh tiếng không hồi kết.
Tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận nghiên cứu
Vì số lượng bài xuất bản nghiên cứu là một yếu tố rất quan trọng trong cách tính điểm các bảng xếp hạng, các trường đại học Việt Nam cũng vì vậy mà đẩy mạnh việc cho sinh viên tiếp cận với các cơ hội thực hiện nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng như với kho tài liệu nghiên cứu quốc tế.
Bạn Diệu Linh (sinh viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM, xếp nhóm 551 - 600 trong bảng xếp hạng QS AUR) chia sẻ: “Trường mình ngày càng đẩy mạnh dịch vụ và hỗ trợ người học nhiệt tình lắm. Có thành lập một phòng riêng để chăm sóc người học gọi là DSA. NCKH hiện là tiêu chí bắt buộc với sinh viên hệ Chất lượng cao (CLC). Trung bình một sinh viên trường mình hệ CLC sẽ có mộtdự án/ bài viết NCKH. Chất lượng giảng viên từ năm học này trở đi phải từ Tiến sĩ trở lên. Nhà trường sẽ mua bản quyền sách và chương trình quốc tế về dịch ra tiếng Việt hoặc để nguyên để dạy”.
Diệu Linh. |
Người học, không phải con số, mới là trung tâm của giáo dục
Tập trung quá nhiều vào việc “leo hạng” có thể vô tình đẩy các trường đại học đi chệch hướng với mục tiêu chính của giáo dục. Trang Washington Post nhận định rằng từ khi U.S. News công bố bảng xếp hạng đại học đầu tiên vào năm 1983, cuộc đua bảng xếp hạng dần trở thành một cuộc đua “vũ trang” học thuật. Danh tiếng và xếp hạng đi kèm với doanh thu và uy tín. Từ đây đã đẩy lên một cuộc đua độc hại giữa các trường đại học và khiến chi phí bằng cấp tăng chóng mặt lên đến 1000% kể từ năm 1980.
Bạn Huyền Nguyễn (sinh viên trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc Gia TP.HCM, xếp hạng 179 trong bảng QS AUR, nhóm 1201+ bảng THE) cho rằng: “Bảng xếp hạng là một sự ghi nhận cần thiết cho những nỗ lực của nhà trường. Tuy nhiên cũng cần thẩm định xem các nỗ lực đó có thực chất không. Mình nghĩ rằng người học là trung tâm của giáo dục, tức là bên cạnh những con số được xếp hạng đó, trải nghiệm học tập và những kiến thức, kỹ năng nhà trường/ cơ sở giáo dục cung cấp để hỗ trợ cho sự phát triển của người học là điều ý nghĩa hơn”.
Huyền Nguyễn. |
Trang Washington Post cũng đặt ra câu hỏi rằng: “Liệu tất cả khoản tiền đầu tư là để nâng cao chất lượng giáo dục, hay là đang tạo ra một trải nghiệm học thuật đắt đỏ, rập khuôn, và phản giáo dục?”.
Đừng chọn trường chỉ dựa vào thứ hạng
Giữa tất cả mọi tranh cãi về tính liêm chính và ý nghĩa của bảng xếp hạng, có một điểm chung quan trọng chính là bảng xếp hạng chỉ nên là một yếu tố tham khảo, không phải là lý do duy nhất hay quan trọng nhất để chọn trường đại học phù hợp. Một bài viết trên Studyportals của Alexandru Pop đã đề cập về những tiêu chí không được đo lường, hoặc không thể đo lường trong các bảng xếp hạng, bao gồm: những điều bạn học được ngoài sách vở, sự đa dạng trong trường học, hoạt động ngoại khóa, hỗ trợ từ cộng đồng, hỗ trợ mặt tinh thần, cảm xúc...
Nhằm phản đối hình thức chọn trường dựa vào thứ hạng, tổ chức phi lợi nhuận College That Change Lives (Trường đại học thay đổi đời bạn) được thành lập từ nhiều trường đại học thành viên với mục tiêu tạo ra quá trình chọn trường đại học lấy sinh viên làm trung tâm. Tiêu chí duy nhất chính là giúp sinh viên tìm nơi họ được phát triển niềm yêu thích học tập suốt đời và tạo nền tảng cho cuộc sống hạnh phúc sau đại học.