Trên trang fanpage của mình, "Giáo sư Xoay" đã có một bài viết khá dài để nêu lên những cảm xúc của mình về bộ phim Cậu Vàng trước ngày phim công chiếu. Có vẻ như anh khá tâm đắc với tác phẩm này vì sau khi xem xong buổi chiếu sớm, đã có rất nhiều cảm xúc đọng lại trong anh.
Hôm qua mình bỏ cả xem "Ai Là Triệu Phú" để đi bế chó cả nhà ạ. Cậu Vàng trông hiền lành thế này mà trong phim thì đánh nhau như "giang hồ" luôn.
Phim Cậu Vàng lấy cảm hứng từ những tác phẩm của nhà văn Nam Cao nên mình cũng xác định trước là sẽ buồn. Xem xong, đúng là buồn thật, nhưng phim lại khác tác phẩm văn học là đến cuối cùng, vẫn còn mở ra những hi vọng sáng tươi, chứ không cùng quẫn như trong tác phẩm văn học. Hết phim, mình ngồi im trong rạp, vừa là để xem bằng hết tên tuổi những người góp công làm nên bộ phim này, vừa là để cảm xúc được cân bằng trở lại.
Muốn kể cho cả nhà thật nhiều, nhưng vì không thể tiết lộ về phim, nên chỉ có thể kể về 3 cảm xúc chính mà mình cảm nhận được.
Một, đó là Thương: Thương này là thương xót, mọi số phận trong Cậu Vàng này, bao gồm cả Cậu Vàng đều khổ cả. Bá Kiến, Lý Cường, Bà Cả, Bà Hai, Bà Ba… giàu có là vậy, vẫn khổ. Đến những tên quan lại ăn trên ngồi chốc trong phim, tính ra cũng vẫn khổ, sống một đời như vậy, nhục bỏ mẹ. Khổ thế là cùng. Còn những người dân nghèo thì thôi, khỏi nói, khổ không tưởng được…
Thứ hai, đó là Giận: Vẫn biết phim chỉ là những gì phục dựng lại, nhưng chính vì là phục dựng nên mình hiểu là nó mới chỉ lột tả được phần nào thực tế thời đó, nhưng chỉ thế thôi nó cũng khiến cho mình cảm nhận được sự cực khổ và bất công của xã hội thời phong kiến, nơi mà ông bà, cụ kị mình đã phải trải qua. Những bất công, ngang trái trên phim khiến mình thấy giận run người, có cảm giác như trong ADN của mình bây giờ đâu đó vẫn còn hằn lên những bất công ngày đó mà ông bà cụ kị đã truyền lại vậy. Mình mà sống thời đó, chắc cũng chẳng có lựa chọn nào như các nhân vật trong phim mà thôi.
Và thứ ba, đó là Yêu: Cảm giác cuối cùng mà mình thấy nó bao trùm cả phim, đó là Yêu, tình yêu của con người với con người, của con người với con vật, và của cả con vật với con vật với nhau… Dù hoàn cảnh sống có tệ hại đến đâu, có bất công đến đâu thì tình yêu vẫn cứ sáng lên vô cùng đẹp đẽ.
Có thể sẽ nhiều người tiếp cận với bộ phim với những kiến thức và ký ức mình đã có với những truyện ngắn mà chúng ta đã đọc thuộc làu của Nam Cao để rồi sẽ xem phim như một người biên tập ngồi soát lỗi, nếu như thế thì hãy cố gắng bỏ ý định đó hoặc đừng đi xem, bởi phim Cậu Vàng này đã có những bước đột phá mới mẻ hơn nhiều trên nền tảng văn học rất vững vàng của Nam Cao. Những đột phá đó mang hơi thở của thời đại mới, nên đã giúp cho sự khốn cùng trong văn học đã tìm ra lối thoát.
Xem xong phim càng hiểu thêm vì sao mà chó được đưa vào câu: “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, bởi chúng trung thành và tình nghĩa hơn nhiều những gì con người chúng ta có thể cho chúng.
Hãy cùng đến rạp xem và cảm nhận nhé. Phim Cậu Vàng sẽ ra rạp từ 8/1 này mọi người nhé. Nhớ mang theo ít khăn giấy.
Mặc dù đây là những lời chia sẻ rất tâm huyết về bộ phim Cậu Vàng, tuy nhiên "Giáo sư Xoay" lại phải đối mặt với rất nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Có thể thấy, trong bài đăng này, đa phần các bình luận đều có thái độ phản đối khá gay gắt với Cậu Vàng cũng như với việc "Giáo sư Xoay" ủng hộ cho phim.