Phần hội thảo với chủ đề đối thoại về thời trang bền vững có sự tham gia của hơn 50 khách mời, bao gồm những chuyên gia về thời trang, môi trường, các giảng viên - sinh viên của trường đại học RMIT; người mẫu Trang Phạm, Kim Phương, Helly Tống; giám đốc sáng tạo thời trang Trần Hoàng Dũng, Art Director Alex Fox, nhà thiết kế Trương Thanh Hải, Lâm Gia Khang…
Các khách mời đã cùng nhau thảo luận về những tác hại nghiêm trọng của việc ô nhiễm rác thải và những giá trị thiết thực, nhân văn mà ngành thời trang bền vững đem lại.
Buổi tọa đàm đặc biệt có sự tham gia của các chuyên gia như: Giáo sư Julia Gaimster - Trưởng khoa Thời trang và Truyền thông của trường Đại học RMIT; bà Victoria Rhodin Sandström - Bí thư Thứ Nhất, Trưởng ban Chính trị Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội; cô Xin Yi Wong - Giám đốc phụ trách phát triển bền vững - H&M khu vực Đông Nam Á; chị Bùi Thị Thu Hiền - Quản lý Chương trình biển và Tài nguyên vùng bờ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN và các đại diện đến từ tạp chí ELLE Việt Nam.
Chủ đề chính trong buổi đối thoại xoay quanh chủ đề "Biển đang là nơi thải rác của con người, đặc biệt là nhựa". Theo các chuyên gia chia sẻ, điều này đã gây ảnh hưởng trầm trọng đến hệ sinh thái của đại dương. Trong ngành công nghiệp thời trang, những trang phục được làm từ chất liệu polyester cũng góp phần không nhỏ tới việc gây ảnh hưởng đến môi trường nước của Trái Đất; những sợi microfiber chính là nhân tố gây ô nhiễm nguồn nước và đầu độc gián tiếp tới sức khỏe con người.
Helly Tống, đại diện giới trẻ có mặt ngày tại buổi tọa đàm, chia sẻ thêm về quan điểm của mình. Bản thân cô là một người ăn chay trường từ cách đây 6 năm trước, cô cũng đồng thời dần dành nhiều sự quan tâm đặc biệt tới lối sống xanh và gìn giữ môi trường sống xung quanh mình.
Helly Tống cho biết cô thường mang theo các túi xách dạng toe bag (túi bản to) để đựng các món hàng mình mua và nói không khi người bán cung cấp bao nhựa. Thêm một ví dụ nhỏ trong những hành động thiết thực mà cô góp công vào việc này là thuyết phục thành công mẹ của mình từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon để mang đựng vật phẩm.
Được biết, những tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế luôn có những động thái kiên quyết để thay đổi nhận thức của người dân. Theo thông tin chia sẻ trong buổi hội thảo, Thụy Điển là một trong những quốc gia ở Bắc Âu dẫn đầu trong việc phát triển công nghệ để góp phần làm giảm tải lượng rác thải và tái chế tài nguyên trong đời sống con người.
Công ty thời trang H&M (Thụy Điển) cho biết rằng họ may mắn được tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ tân tiến, từ đó sản xuất ra những loại chất liệu thân thiện với môi trường, được tái chế từ các loại rác thải như lưới đánh bắt cá, chai nhựa, rác thải nylon…
Theo các số liệu được báo cáo, mục tiêu của H&M tới năm 2020 là chất liệu cotton được sử dụng trong sản xuất sẽ là 100% tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững.