“Quá tải”, chán nản, thậm chí bật khóc
Cô Thủy (Quận 8, TP.HCM) cho biết nhà có hai anh em. Anh trai lớp 10 đã biết tự giác. Còn em gái nhỏ đang học lớp 4 thì cả nhà đều rất “vật vã”. “Con nít hiếu động, bắt ngồi yên với cái máy mấy tiếng liền nó đâu chịu nổi. Nhiều lúc bé vặn vẹo rồi òa khóc, bảo không muốn học”.
Cô Thủy cũng lo ngại cho sức khỏe thị lực của các con khi phải tiếp xúc nhiều với màn hình điện tử vì không chỉ nghe giảng online, các con còn phải xem thêm nhiều tài liệu, bài tập và video trên mạng để tự bổ sung kiến thức.
Bé Khánh - con cô Thủy đang học thủ công online. (Ảnh: NVCC)
Đạt Khánh (lớp 7 trường THCS Kim Đồng, TP.HCM) kể khổ: “Em vẫn học theo thời khoá biểu bình thường. Ngày 8 đến 10 tiết. Mà ở nhà có quá nhiều thứ làm em phân tâm, khó tập trung dài hạn. Học lúc 7 giờ sáng em còn phải dậy sớm chuẩn bị máy tính và đường truyền. Nhưng do nghỉ ở nhà, quen giấc, có lúc em ngủ quên hoặc ngồi học trong uể oải”.
Đây cũng là vấn đề của bạn Thanh Thiên (lớp 12, trường PTNK, TP.HCM). Chưa kể, bạn còn tham gia các lớp học thêm cũng được triển khai trực tuyến. Như vậy có khi một ngày, Thanh Thiên phải làm bạn với laptop suốt hơn 10 tiết học, mỗi tiết 45 phút. “Ngồi học thời gian dài, mình vừa mỏi mắt, đau lưng vừa khó tiếp thu vì bị quá tải", Thiên nói.
Thầy cô cũng gặp nhiều khó khăn
Dù đã chuẩn bị tâm lý, thầy Nguyễn Hoàng Tiến Vinh (giáo viên Hóa Học trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM) vẫn không tránh khỏi việc bị mất cảm hứng lên lớp vì: “Thầy như đang diễn “độc thoại”. Ngồi học “liền tù tì” mấy tiết thì ban đầu còn đông nhưng dần về sau các bạn sẽ chán và làm chuyện riêng. Những hôm trúng vào các tiết cuối, thầy không biết mình giảng có ai nghe không nữa vì khi hỏi lại thì 80% học sinh vẫn không trả lời được những câu đơn giản”.
Thầy Võ Văn Toàn (giáo viên Toán trường PTNK, TP.HCM) cũng đồng tình: “Việc áp dụng toàn bộ thời khóa biểu học bình thường sang học từ xa khiến giáo viên quá vất vả trong việc soạn giảng, lại gặp hạn chế về giao tiếp, truyền đạt khiến thầy cảm thấy 'cô đơn”.
Học online như thế nào là “vừa đủ” và hợp lý?
Tại Mỹ, học trực tuyến đã trở thành một phần không thể thiếu với học sinh ở nhiều bang. Thanh Nhàn (lớp 11, bang Washington) cho biết nếu nhận thông báo không đến trường, bạn sẽ học tại nhà 5 tiết một ngày, 5 ngày một tuần, mỗi tiết từ 30 phút đến 1 tiếng tùy môn. Tiết dài 1 tiếng sẽ có giải lao 10 phút giữa giờ. Thời gian vào học thứ sáu là 9 giờ sáng, các ngày khác thì 8 giờ 30. 12 giờ sẽ có nghỉ trưa đến 1 giờ. Sau đó bạn tiếp tục học đến 3 giờ chiều là kết thúc.
Thanh Nhàn cảm thấy khá hài lòng với thời gian biểu trên: “Được lùi giờ vào học nên sáng mình có thời gian tập thể dục, tự nấu ăn và uống trà thư giãn”.
Anh Thư (lớp 11, THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM) và Phùng Ngân (lớp 11, THPT Phan Bội Châu, Đăk Lăk) đều cho rằng: Học online chỉ nên từ 4 đến 5 tiết một ngày. Giữa các tiết nên giải lao khoảng 10 phút. Môn Thể Dục và Giáo Dục Quốc Phòng nếu có thể nên cắt giảm vì không gian trong nhà bất tiện cho các hoạt động thể chất.
Thầy Võ Văn Toàn nhận xét: “Ý tưởng học online mỗi ngày chỉ một buổi sáng hoặc chiều rất thú vị. Các môn học cũng nên tinh giản. Thầy cô chỉ nên hướng dẫn, giải đáp rồi để học sinh phát huy tinh thần chủ động, tự học chứ không cần cố “cầm tay chỉ việc” nhiều tiết liền”.