Tại sao tư duy cầu tiến bắt đầu được dạy trong trường học?
Khái niệm growth mindset (hay còn gọi là tư duy cầu tiến) được giới thiệu bởi Giáo sư Tâm lý học Carol Dweck, người đã dành hơn 50 năm để nghiên cứu về lĩnh vực này tại các trường đại học danh giá nhất nước Mỹ. Đối với tư duy này, teen có niềm tin mãnh liệt vào việc mình có thể nâng cấp kiến thức, kỹ năng của bản thân qua thời gian. Ví dụ, bạn có thể không phải là “học bá” lập trình trong lớp Tin học, nhưng bạn sẽ cần cù bù thông mình, luyện tập nhiều hơn để trở thành “siêu vip pro” trong bộ môn này.
Giáo sư Tâm lý học Carol Dweck. |
Ngược lại với growth mindset là fixed mindset, hay còn gọi là tư duy cố định. Loại tư duy này khiến chúng ta tự thuyết phục mình rằng khả năng là bẩm sinh và chúng ta không thể đạt được những kiến thức và kỹ năng mới qua việc học tập, rèn luyện. Những người bị bó buộc trong tư duy cố định thường quan tâm đến thành tựu của bản thân và cho rằng nếu bạn thực sự đỉnh cao trong một lĩnh vực, bạn sẽ thành công mà không cần luyện tập.
Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng thay đổi tư duy của bản thân có thể giúp teen học tập hiệu quả hơn và cải thiện điểm số của mình. Nhiều trường đại học trên thế giới cũng bắt đầu đưa tư duy cầu tiến vào chương trình giảng dạy nhằm giúp sinh viên đạt được những thay đổi tích cực trong quá trình học tập. Ngoài ra, growth mindset còn được chứng minh là có thể giảm thiểu nguy cơ đến từ các bệnh tâm lý như trầm cảm hay rối loạn lo âu.
Thay đổi tư duy của bản thân có thể giúp teen học tập hiệu quả hơn. |
Nghe thì có vẻ như là một phép màu, nhưng cơ chế hoạt động của tư duy này dựa trên việc: Nếu thực sự tin rằng mình có thể học và làm tốt một điều gì đó, bạn sẽ sẵn sàng nỗ lực nhiều hơn và khó bỏ cuộc hơn khi gặp phải “kiếp nạn”. Bạn sẽ thoải mái lắng nghe phản hồi từ mọi người và rút kinh nghiệm từ lỗi sai của mình.
Nỗ lực, thử thách, mắc lỗi, và nhận xét chính là “bộ tứ bất bại” trong quá trình học tập và trưởng thành, còn tư duy cầu tiến chính là “chìa khóa” để chúng mình giải mã được “bộ tứ” này đó!
“Bỏ túi” bí quyết rèn luyện tư duy cầu tiến
Thật ra, có 7749 cách để bạn tin rằng “Tớ có thể” thay vì không làm vì sợ bị người ta pressing. Đầu tiên, hãy đặt ra những mục tiêu be bé trước rồi hẵng đến những cột mốc lớn lao hơn. Ví dụ như đặt mục tiêu tập thể dục giảm cân để lên đồ đi chơi Noel thay vì “mi nhon” như cô nàng hotgirl trong trường; hay mỗi ngày giải thêm một bài toán “sao” thay vì tự tạo áp lực phải lọt Top 5 giỏi nhất lớp môn Toán cuối học kỳ.
Tư duy cầu tiến rất cần bạn cố gắng nỗ lực. |
“Bạn đã bao giờ thử chưa?” - teen có thể phát triển growth mindset bằng cách tạo cơ hội cho bản thân trải nghiệm các kỹ năng mới. Hiện nay, nhiều trường học tại Mỹ đã khuyến khích điều này bằng cách tổ chức các Anti-talent Show - những chương trình thử thách ngắn hạn siêu độc lạ. Khi tham gia chương trình này, cả giáo viên và học sinh sẽ chọn một kỹ năng mà mình muốn học, sau đó dành bốn tuần để tập luyện kỹ năng này và biểu diễn trước toàn trường. Tất nhiên không ai đạt đến trình độ đỉnh cao ở một kỹ năng mới toanh chỉ sau bốn tuần nhưng mỗi người sẽ khám phá được hành trình thú vị cũng như trải nghiệm sự tiến bộ “từ 0 đến n” của mình khi dám bắt đầu học hỏi một điều mới.
Chúng mình cần bắt đầu với độ khó phù hợp để không cảm thấy chán nản. |
Thay vì “làm điều mình yêu theo cách mình yêu”, hãy thử hành động ngược lại. Đây cũng là một cách để luyện tập tư duy cầu tiến đó. Nếu bạn nghĩ rằng giọng hát mình “một chín một mười với Chaien”, hãy thử nghiêm túc tập hát hoàn chỉnh một bài. Hoặc bạn chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ giải được câu cuối của bài toán, hãy thử “lục lọi” 1001 bài mẫu để tìm cách giải.
Cả hai loại tư duy này có thể tồn tại song song. |
Sau những lần hành động “ngược đời” đó, bạn sẽ nhận ra à, thì ra mình cũng có thể “ra dzẻ” trong bộ môn này, vì mình có thể tìm được giải pháp khi cố gắng. Tuy nhiên, mách nhỏ là chúng mình cần bắt đầu với độ khó phù hợp để không cảm thấy “chán up chán down” vì thử thách siêu dễ cũng như bỏ ngang vì quá cực nhé!
“Giải ngố” những hiểu lầm về tư duy cầu tiến
Mỗi người chỉ có thể có growth mindset hoặc fixed mindset?
Sai. Cả hai loại tư duy này có thể tồn tại song song với nhau. Bởi vì chúng mình có thể có tư duy cầu tiến về một kỹ năng nào đó nhưng lại tự giới hạn bản thân với một kỹ năng khác. Có thể bạn thấy mình tiến bộ rất nhanh với môn Toán và muốn học thêm nhiều hơn nữa nhưng lại không thấy được sự tiến bộ ở môn Lí và tự giới hạn suy nghĩ của mình. Vậy nên bạn luôn có thể rèn luyện để “khai phá” khả năng bản thân hơn nữa đó!
Nên cố gắng nhiều hơn để học được mọi thứ?
Tuy rằng khả năng học tập của chúng ta là vô hạn, nhưng mỗi ngày chỉ có 24 giờ. Mỗi người sẽ có những mục tiêu phát triển bản thân khác nhau nên cần xác định kiến thức nào là cần thiết cho quá trình phát triển của mình, tránh chạy theo định nghĩa “thành công” của người khác. Ví dụ, nếu không yêu thích việc học đàn, cho dù có “mở” tư duy và tin vào khả năng học hỏi của mình, bạn vẫn khó để tập trung rèn luyện thay vì thử một bộ môn bạn mong muốn cải thiện.
Suy nghĩ thôi chưa đủ, chúng ta cần hành động. |
Chỉ cần thay đổi suy nghĩ thôi là đủ?
Để trở thành “bản thiết kế vĩ đại, tinh hoa hội tụ” thì suy nghĩ thôi là chưa đủ, chúng mình phải “gét gô” làm ngay và luôn. Thực chất, suy nghĩ chỉ là “nhiên liệu” để thêm động lực cho những hành động thôi. Không có phép màu nào giúp chúng mình tiến bộ ngay và luôn được. Để thực sự thăng hạng trong học tập, teen nên lập một bảng kế hoạch chi tiết đi kèm hành động cụ thể. Từ đó sẽ dễ dàng hiện thực hóa mục tiêu của bản thân hơn.