Làm thế nào để phân biệt được cảm lạnh và cảm cúm khi thời tiết miền Bắc quá giá lạnh?

Làm thế nào để phân biệt được cảm lạnh và cảm cúm khi thời tiết miền Bắc quá giá lạnh?
HHT - Bạn khẳng định là cảm lạnh, mẹ bạn lại nghĩ là cảm cúm, và rồi người bán thuốc ngoài tiệm khiến bạn hoa cả mắt bằng cách bán cho bạn gần chục loại thuốc nhằm vào… cả hai thứ cảm! Vậy phân biệt hai loại bệnh cảm này thế nào?

Bạn bị cảm cúm nếu…

Nó ập đến như một tia chớp. Bạn dễ bị sốt cao hơn 38,3oC, và bạn nằm bẹp dí. Cảm giác lạnh, đau cơ, mệt lử, và căng ở ngực đều là những đặc điểm của cảm cúm. Bạn cũng có thể ho, chảy mũi, nhưng bạn ít bị các triệu chứng của đường hô hấp trên như khi bị cảm lạnh.

Làm thế nào để phân biệt được cảm lạnh và cảm cúm khi thời tiết miền Bắc quá giá lạnh? ảnh 1

Làm gì bây giờ? Hỏi bác sĩ càng sớm càng tốt. Bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc chống virus - nhưng bạn chỉ nên dùng những loại thuốc này khi có bác sĩ kê đơn nhé, không tùy ý mua sử dụng được đâu! Thuốc sẽ khiến các triệu chứng đỡ căng thẳng hơn, giúp bạn phục hồi nhanh hơn, và giảm đáng kể nguy cơ bị các biến chứng như viêm phổi.

Đừng có làm những việc này: Uống cùng lúc vài loại thuốc mua bừa ngoài hàng để điều trị triệu chứng có thể là việc rất nguy hiểm, vì chúng khiến bạn vô tình nạp vào người một thành phần nào đó với liều lượng gấp đôi mức cho phép. Việc kết hợp nhiều loại thuốc đôi khi chứa acetaminophen (thành phần giúp giảm đau, hạ sốt) mà không ghi rõ trên nhãn thuốc khiến bạn dễ bị ngộ độc.

Kháng sinh cũng là KHÔNG, bởi vì kháng sinh nhắm vào vi khuẩn chứ không phải virus. Có ngoại lệ là khi bạn bị nhiễm thêm vi khuẩn (ho có đờm xanh và hơi có chút máu), thì kháng sinh có thể được sử dụng theo ý kiến của bác sĩ nhé!

Làm thế nào để phân biệt được cảm lạnh và cảm cúm khi thời tiết miền Bắc quá giá lạnh? ảnh 2

Bạn bị cảm lạnh nếu…

Các triệu chứng của cảm lạnh chủ yếu là ở phía trên cổ. Chảy mũi, ho, chảy nước mắt, hắt hơi, nghẹt mũi đều là các dấu hiệu của cảm lạnh, và những triệu chứng khó chịu này thường tăng lên trong 1-2 ngày. Bạn có thể thấy đau nhức hoặc sốt, nhưng lại ít nghiêm trọng hơn nhiều so với cảm cúm.

Làm gì bây giờ? Để ngăn bệnh cảm lạnh kéo dài, bạn nên uống bổ sung vitamin C, liều lượng tùy theo tuổi và trọng lượng, ngay khi có triệu chứng. Các bác sĩ cũng nói rằng chưa có bằng chứng rõ ràng rằng vitamin C giúp giảm bệnh cảm lạnh, và uống quá liều sẽ hại dạ dày bạn, nhưng uống liều vừa phải để tăng sức đề kháng thì cũng xứng đáng. Uống bổ sung kẽm cũng có tác dụng tương tự.

Nếu các triệu chứng càng tăng lên, bạn có thể dùng thuốc kháng histamin (chống dị ứng) giúp bớt hắt xì và chảy mũi, đồng thời xịt mũi nhiều lần bằng nước muối 0,9%. Các bác sĩ nhấn mạnh việc làm này, vì đường mũi chính là nơi virus nhân lên và chui vào cơ thể bạn. Khi bạn rửa sạch mũi, là bạn “đẩy” bọn virus ra ngoài một cách hiệu quả.

Làm thế nào để phân biệt được cảm lạnh và cảm cúm khi thời tiết miền Bắc quá giá lạnh? ảnh 3

Đừng có làm những việc này: Nếu bạn sốt nhẹ, dưới 38,3oC, thì không cần uống thuốc hạ sốt, trừ phi cơ địa bạn cực kỳ nhạy cảm và đã từng có chỉ định của bác sĩ. Bởi sốt cũng là một cách của cơ thể để chống lại những viêm nhiễm mà. Thay vì uống thuốc, bạn chỉ cần nghỉ ngơi nhiều và uống thật nhiều chất lỏng (nước, nước trái cây, sữa, súp…) để đảm bảo mình không bị mất nước do toát mồ hôi. Bạn cũng nên tránh các thuốc chống nghẹt mũi, vì những thứ thuốc này làm dày lớp nước nhày trong mũi, và giảm sưng phồng trong đường mũi, khiến bạn dễ thở hơn lập tức, nhưng lại có tác dụng phụ là bạn càng dùng nhiều, thì bạn càng phải tăng liều lên, và sau đó càng phải dùng thường xuyên hơn.

Dù sao, chúc bạn một mùa lạnh tránh xa các thể loại cảm!

TEAMIRI

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm