Việc mặc trang phục bảo hộ ở những môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh cao là điều rất cần thiết và nó có thể cứu mạng nhiều người. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề nảy sinh từ đây.
Trong vụ việc mới xảy ra, một tài xế xe cấp cứu mặc đồ bảo hộ đã ngất xỉu ngay khi đang lái xe chở 4 bệnh nhân COVID-19 đến Bệnh viện trường Đại học Y KN ở quận Mathura, bang Uttar Pradesh (Ấn Độ). Sau đó, cả 4 bệnh nhân cùng một bác sĩ đã rời khỏi xe an toàn.
Một tài xế xe cấp cứu chở bệnh nhân COVID-19 đã ngất xỉu ngay khi đang lái xe do mặc đồ bảo hộ quá nóng. Ảnh minh họa: Reuters.
Vụ tai nạn này khiến mọi người không khỏi lo lắng, bởi việc tài xế ngất ngay khi đang lái xe có thể đe dọa tính mạng của cả tài xế lẫn bệnh nhân. Nhưng thực tế là nhiều “chiến binh COVID-19” - những người chống dịch ở tuyến đầu và phải mặc bộ đồ bảo hộ suốt nhiều giờ liền - nói rằng họ cảm thấy rất khó thở. Thời tiết mùa hè nóng bức càng khiến bộ đồ phần lớn là bằng nylon này trở nên ngột ngạt hơn, khiến người mặc càng mau mệt mỏi.
Những người phải mặc đồ bảo hộ suốt nhiều giờ liền cho biết họ thấy rất khó thở, nhất là vào những hôm trời nóng. Ảnh minh họa: Reuters.
Trong tháng trước đã có một vụ việc là hai người chết sau khi đưa tang một người họ hàng ở quận Jammu. Hai người này đều mặc đồ bảo hộ và họ đã tự nhiên ngã ra đất, hôn mê do mất nước, sau đó đã qua đời. Hôm ấy, nhiệt độ ngoài trời ở Jammu là 42oC.
Ở Ấn Độ đã có người đột quỵ vì mất nước khi mặc đồ bảo hộ nhiều giờ liền ở ngoài trời. Ảnh minh họa: AP.
Sau những sự việc này, nhiều người dân Ấn Độ mong muốn có sự thay đổi trong việc thiết kế và sản xuất các bộ đồ bảo hộ, làm sao để chúng nhẹ hơn, bớt gây ngạt thở cho người mặc, nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc.