Trở thành một hiện tượng toàn cầu không chỉ trong làng phim ảnh, Emily in Paris còn gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới làng thời trang thế giới, và có thể là xu thế du lịch nữa (nếu không có dịch COVID-19). Tuy nhiên, nội dung bộ phim đã gây tranh cãi khiến cả giới phê bình lẫn bộ phận khán giả bị chia rẽ sâu sắc.
Netflix đã xác nhận Emily in Paris sẽ có season 2, nhưng đây liệu có phải là một quyết định đúng không?
Lãng mạn hóa cuộc sống thực tế
Cuộc sống mà thiếu đi những điều lãng mạn thì rõ ràng là thật khô khan và thiếu sức sống. Nhưng sẽ thế nào nếu sự lãng mạn được đẩy lên tới mức phi thực tế?
Bạn sẽ chẳng thể nào có được một cuộc sống mà mọi điều đều trở nên dễ dàng với mình, trừ khi bạn là Emily Cooper (Lily Collins) trong bộ phim Emily in Paris. Bạn có thể tóm tắt mùa đầu tiên của bộ phim này như là một phiên bản năng động và sang trọng hơn của nàng Lọ Lem: Yên vị ở một vị trí và chỉ việc chờ phép màu từ cây đũa thần của bà tiên đưa cô đến một cuộc đời lấp lánh, nhiệm màu.
Là một cô gái ngoài 20 bất đắc dĩ bị luân chuyển tới Paris để làm việc cho một công ty quảng bá thời trang, không chỉ bất cập về ngôn ngữ mà Emily Cooper còn gặp nhiều trắc trở ở cách sống, cách làm việc, và dường như là mọi thứ.
Nhưng ở đời thật, ai cũng biết rằng cuộc sống chẳng hề cổ tích đến mức này. Một người muốn có được vị trí của Emily là không hề dễ dàng, đôi khi họ còn phải hi sinh xương máu để có được những thứ như thế. Và cuộc sống màu hồng của Emily đi ngược hẳn với quy luật này.
Cổ xúy một cuộc sống vô tổ chức
Emily Cooper - hình mẫu của một phụ nữ hiện đại lý tưởng: Có một cuộc sống độc lập, chăm chỉ trong công việc yêu thích, đắm mình trong những bộ trang phục thời thượng, và luôn nghiêm túc trong chuyện yêu đương. Nhưng đó là Emily trước khi đến Pháp.
Emily ở Paris phút chốc trở thành nàng Lọ Lem trong trang phục hàng hiệu, dù bị đồng nghiệp ra sức vùi dập nhưng vẫn luôn lạc quan vì liên tục nhận được sự giúp đỡ của những người bạn “tự nhiên mà có”, thậm chí trở thành “tiểu tam” nhưng không cảm thấy xấu hổ với bản thân.
Về phía chàng hàng xóm Gabriel bảnh bao, luôn xuất hiện như một chàng hoàng tử bạch mã trong mắt khán giả, để rồi lòi đuôi cũng chỉ là một gã lăng nhăng “xấu nết, đẹp người” cũng là một màn giới thiệu sơ bộ về chàng nam chính của phim.
Đã có nhiều lời mô tả trước khi phim được ra mắt rằng “Đây là cuộc sống của giới trẻ hiện nay” và những lời bình luận khen ngợi “Đây là cuộc sống trong mơ của mọi cô gái”. Nhưng nếu Emily và Gabriel thực sự là hình ảnh đại diện cho giới trẻ hiện nay thì rõ ràng rằng chúng ta cần tự chấn chỉnh lại cách sống của bản thân.
Có nên thực hiện tiếp mùa thứ 2 hay không?
Có và không. Có, nếu như nhà sản xuất dành thời gian để chấn chỉnh lại phần nội dung để tác phẩm trở nên hoàn thiện và chỉn chu hơn, và đặc biệt, có giá trị nghệ thuật hơn. Và không, nếu như họ vẫn quyết định tiếp tục kể một câu chuyện hời hợt, truyền bá thông điệp sai trái và thiếu thực tế như thế này.
Vì nếu muốn để Emily in Paris thực sự ở mãi trong lòng khán giả thì, chắc chắn rằng, không thể nào dùng những hình ảnh lóa mắt của thủ đô Paris hoa lệ, những bộ trang phục cầu kỳ phô trương và cuộc sống đậm màu hồng của Emily để ru ngủ khán giả khỏi một thực tại mang đầy thử thách, cũng như không thể để những diễn viên với vẻ ngoài hút hồn khán giả như Lily Collins và Lucas Bravo chỉ để che đi phần tính cách xấu xí của nhân vật chính.
Một tác phẩm nghệ thuật chỉ có ý nghĩa khi nó mang lại một thông điệp mạnh mẽ trong cuộc sống tới các khán giả thưởng thức, chứ không phải là một thứ hỗn tạp chỉ mang vẻ ngoài cầu kỳ nhưng lại không có giá trị bên trong. Đừng để những thứ được tốn công nhào nặn bằng chất xám bị những khán giả dễ tính phẩy tay và nói “chỉ là phim thôi mà”.