Marketing - ngành nghề chiếm “spotlight” của Gen Z
Ánh Tuyết (nhân sự ngành Content Marketing) chia sẻ: “Bản thân mình là một người năng động, yêu thích sự mới mẻ và đam mê viết lách từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, mình nghĩ Marketing là một ngành luôn “khát” nhân lực tạo nên cơ hội việc làm rất “rộng mở” với tất cả mọi người. Đây chính là những lí do mà mình quyết định theo đuổi con đường này”.
Ánh Tuyết lựa chọn theo đuổi lĩnh vực Marketing vì thấy phù hợp với tính cách của bản thân. Ảnh: NVCC |
Nhiều người cho rằng hiện nay, các bạn trẻ chỉ cần tham gia một vài khóa học bên ngoài về Marketing là có thể làm trong lĩnh vực này. Theo Ánh Tuyết, ý kiến trên có phần đúng, nhưng lại khá cào bằng vì Marketing có rất nhiều vấn đề mà các khóa học không thể giảng dạy.
“Mình nghĩ nếu một người cảm thấy hứng thú và sẵn sàng gắn bó với công việc Marketing nhưng không có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục ở đại học thì đây cũng là một sự lựa chọn tốt. Nhưng đây là một ngành nghề có tính đặc thù cao, việc được đào tạo bài bản tại trường đại học sẽ trang bị cho các bạn kiến thức ngành từ cơ bản đến nâng cao như phân tích thị trường, nhu cầu của khách hàng, quản lý thương hiệu... và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc sau này”.
Huỳnh Phương Linh (nhân sự Content Marketing tại ZMedia) chia sẻ, trước đó bản thân từng học chuyên ngành Tài chính kế toán tại Đại học. Sau một thời gian thực tập, làm việc, Phương Linh lại phát hiện bản thân không quá phù hợp với ngành. Vì thế, dù có chút tiếc nuối, cô nàng vẫn quyết định chuyển hướng đi, tìm kiếm cơ hội làm việc đúng với đam mê và khả năng của mình.
Phương Linh dành nhiều thời gian để tự học và nghiên cứu về lĩnh vực Marketing. Ảnh: NVCC |
“Mình đã tự học bằng rất nhiều khóa học ngắn hạn từ chuyên gia trong ngành, những khoá học liên kết với trường đại học trên Coursera và bằng case study (nghiên cứu tình huống) thực tế. May mắn là trong những ngày đầu tiên làm Marketing, mình đã được nhận vào vị trí Planner (ban kế hoạch) của một công ty truyền thông, giúp mình được tiếp xúc và học hỏi được rất nhiều sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu. Điều này cho mình sự linh hoạt cũng như thích ứng nhanh khi làm với các nhãn hàng và ngành nghề các nhau”.
Những “lời đồn” gây tranh cãi về ngành Marketing
Dù có điểm đầu vào tại các trường ĐH dao động trong khoảng 25 - 28 điểm, Marketing vẫn bị xem là một trong các ngành có bằng Đại học vô dụng theo ý kiến của nhiều TikToker. Ý kiến này ngay lập tức nhận về "bão phẫn nộ" từ phía các chuyên gia hướng nghiệp, nhân sự và sinh viên ngành Marketing.
Marketing bị xem là một trong các ngành có bằng Đại học vô dụng theo ý kiến của TikToker. |
Bạn Nguyễn Thành An (chuyên ngành Marketing, ĐH Gia Định) chia sẻ, dù nhiều nhà tuyển dụng ngành Marketing có thể quan trọng kỹ năng, kinh nghiệm hơn kiến thức, nhưng việc sở hữu một tấm bằng đúng ngành sẽ luôn là một lợi thế đối với các bạn sinh viên khi ứng tuyển.
“Việc một bạn không học Marketing nhưng đang làm Marketing là một việc rất bình thường, và như thế đồng nghĩa với việc họ phải cố gắng rất nhiều so với người khác. Marketing không chỉ là chạy quảng cáo, viết bài Facebook, công việc này còn bao gồm nghiên cứu, lập kế hoạch và đo lường kết quả các chiến dịch truyền thông. Những công việc này đòi hỏi khả năng chuyên môn cao và nền tảng kiến thức vững của nhân sự Marketing. Đây đều là những kiến thức sẽ được trang bị trong quá trình các bạn học tại giảng đường Đại học”.
Thành An cho rằng việc sở hữu một tấm bằng đại học đúng ngành là rất quan trọng. Ảnh: NVCC |