Khởi đầu một ngày bằng ly trà sữa


Vị trà sữa ở đây khá đặc trưng với vị béo của sữa, vị thơm, nồng và bùi của trà. Để có ly trà sữa nóng ấm, ngọt bùi ấy, họ sẽ mua sữa tươi ở các cửa tiệm, nấu sữa cùng với trà rồi đổ vào ly qua một cái rây. Người ta thường thường dùng sữa bò để làm trà sữa. Sữa luôn tươi, có vị thơm, béo và uống không bị ngấy.



Những người trong nhà sẽ quây quần bên bàn ăn để dùng trà sữa buổi sớm, đôi khi có thêm vài cái bánh mỳ donut mặn, hoặc bánh xếp (cũng là một loại bánh mỳ)... để ăn nhẹ với trà sữa. Nhiều người đàn ông không dùng trà sữa tại nhà mà có thói quen dùng ở tiệm. Họ sẽ mua một tờ báo, ngồi nhâm nhi một ly trà sữa để bắt đầu một ngày mới.
Ngoài ly trà sữa sáng sớm, thường người ta sẽ dùng trà sữa vào buổi xế chiều. Cái cảm giác tĩnh tại khi ngồi bên cửa sổ, ngắm nhìn mặt trời đang lên, vừa thổi vừa nhấp một ngụm trà sữa nóng, có lẽ chỉ có ở Nepal.
Khẩu phần ăn “đồ sộ”
Phụ nữ Nepal đi chợ từ rất sớm. Họ thong thả ngồi nhặt từng bó rau lớn. Thông thường, họ chỉ cần nấu một món ăn, đó là thịt và rau củ hầm. Đôi khi có thêm món súp đậu dal để ăn như canh của người Việt.



So với khẩu phần ăn của người Việt, một người Nepal ăn khá nhiều, có thể gấp hai, ba lần. Có thể vì thời tiết khá lạnh nên họ cần nhiều năng lượng để giữ ấm. Một người sẽ ăn khoảng 2-3 tô cơm (đựng trong một chiếc dĩa lớn), một tô thức ăn hầm (cũng trộn chung vào dĩa cơm).


Những ngón tay chắc khỏe cứ thoăn thoắt uyển chuyển và điệu nghệ đánh tơi những hạt cơm và đưa cơm cùng thức ăn lên miệng. Bất cứ món ăn nào, họ cũng cần ăn nóng, khi hơi nóng bốc lên nghi ngút để cảm nhận được hương vị thức ăn tốt nhất. Những dĩa thức ăn nhanh chóng được “quét” sạch bằng các ngón tay. Họ sẽ ăn đến hạt cơm cuối cùng, giọt nước xốt cuối cùng, liếm láp những ngón tay một cách ngon miệng và đầy thèm thuồng.

Những đứa trẻ cũng tự mình ăn như vậy nếu đã tự lấy được thức ăn cho mình. Như một thói quen, từ người lớn, trẻ nhỏ đều ăn nhiều, ăn khỏe và ăn với vẻ ngon miệng.
Người Nepal rất sợ... tắm?
Sau bữa trưa là khoảng thời gian yên ả nhất. Có người ngả lưng nghỉ trưa, có người tán gẫu với bạn bè,... Để rồi, sau đó, họ sẽ lại lo việc đồng áng, giặt giũ áo quần trước khi nắng tắt.


Người dân ở vùng quê Nepal không có thói quen tắm táp hàng ngày, kể cả đối với trẻ con. Có khi một tuần, hai tuần hoặc hơn họ mới tắm một lần, ba đến bốn ngày mới thay đồ một lần. Vậy nên, chỉ trừ những nhà có trẻ con (hay tè dầm), họ không thường xuyên giặt giũ áo quần là mấy.
Thói quen “ít tắm giặt” cũng duy trì vào mùa hè, nhưng kéo dài không lâu, khoảng 2 – 3 ngày cho người lớn, 3 – 5 ngày cho trẻ con. Vì mùa Hè nơi đây cũng khá lạnh, giữa trưa thời tiết sẽ ấm áp hơn đôi chút.
Người ở đây thường nói vui rằng: “Nếu ngày nào cũng tắm, chắc tôi phải trắng lắm”, hoặc “Nếu bắt trẻ con ở đây tắm hằng ngày, chúng thà nhịn đói vẫn hơn”.

Ít tắm giặt, họ bớt việc để làm. Họ cũng không phải chi trả nhiều cho tiền điện, tiền gas để có nước ấm cho việc tắm, xà bông, nước nôi cho việc giặt. Họ dùng thời gian ấy để làm nhiều việc khác, và tận hưởng ánh nắng ấm áp trong một ngày đông ngắn ngủi.