Ngũ Cung là một âm giai với 5 nốt nhạc trong mỗi quãng tám. Trên thế giới, Ngũ Cung là một trong các chất liệu phổ biến trong các bản nhạc mang đậm tính dân tộc nhằm thể hiện sức hút truyền thống. Ngũ cung trong âm nhạc được ví von như "vật dẫn", giúp bài hát có thể chuyển tải dễ dàng màu sắc dân tộc với sự kết hợp các nhạc cụ truyền thống như: Đàn tranh, bầu, sáo trúc…
Và trong đó, những quốc gia châu Á như Ấn Độ hay Việt Nam, cũng dùng Ngũ Cung để thể hiện màu sắc âm nhạc dân tộc của mình. Riêng tại Việt Nam, với 5 âm này các nhà soạn nhạc đã biến hóa chúng trở nên lắc léo hơn… Theo nhiều tài liệu, người Việt đem cả những tâm tư triết lý sống vào 5 âm này. Cụ thể, 5 âm này gồm: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống tương ứng với Sol, La, Đô, Rê, Mi.
Ngoài ra, có giả thuyết cho rằng Ngũ Cung tượng trưng cho Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ. Từ đó, âm nhạc Ngũ Cung mang đến sức hút không chỉ vì nhạc cụ truyền thống mà còn là việc kết hợp các yếu tố duy tâm về Ngũ Hành.
Khác với các thể loại âm nhạc đương đại, Ngũ Cung sở hữu những đặc trưng hoàn toàn riêng biệt và không bị pha lẫn khi kết hợp với bất kì loại âm thanh nào. Thậm chí, nếu dùng đúng cách, Ngũ Cung còn góp phần tạo nên cá tính và màu sắc âm nhạc của nghệ sĩ đó. Ví dụ dễ thấy nhất chính là Hoàng Thùy Linh với album Hoàng; hay Jack với các bản hit càng quét BXH mỗi lần xuất hiện. Thực tế, Hoàng Thùy Linh hay Jack không phải là những tiên phong trong việc sử dụng Ngũ Cung vào âm nhạc.
Trước đây, diva Hà Trần từng chinh phúc giới yêu nhạc với Ra Ngõ Tụng Kinh, Dệt Tầm Gai và Tùng Dương với Chiếc Khăn Piêu. Tuy nhiên, cách xử lý đòi hỏi kỹ thuật, giai điệu mang nặng chất nhạc dân gian đương đại, chủ đề ca khúc lại không phải câu chuyện của số đông, âm nhạc Ngũ Cung khi ấy vẫn được cho là quá hàn lâm, giới hạn sự tiếp cận đối tượng khán giả trẻ.
Mãi đến 2 năm gần đây, Ngũ Cung mới nhận được sự quan tâm lớn với sự thể nghiệm từ Túy Âm (Xesi ft. Masew), hay phát pháo Tứ Phủ của Hoàng Thùy Linh. Theo đó, nữ ca sĩ gây chú ý khi sử dụng chất liệu Ngũ Cung tinh tế nhưng không quá học thuật. Hơn nữa, việc kết hợp với âm nhạc điện tử, cân bằng cùng xu hướng Electro Pop - Future Bass đang thịnh hành, phát huy triệt để quốc hồn quốc túy của âm nhạc dân tộc bằng các bộ nhạc cụ truyền thống, Hoàng Thùy Linh và DTAP góp phần mang đến cái nhìn mới cho Ngũ Cung. Hơn nữa, việc chọn khai thác những câu chuyện dân gian, giọng ca Kẻ Cắp Gặp Bà Già cũng thành công khi tìm thấy màu sắc riêng.
Khác với Hoàng Thùy Linh, Jack chọn khai thác những chủ đề hiện đại hơn, chủ yếu là về tình yêu. Anh chàng kết hợp Ngũ Cung với các nhịp trống mạnh để tạo nên nét “nam tính” cho bài hát và độ “bắt tai” cho các đoạn rap. Không giống Pop, Ballad có những công thức triển khai giai điệu nhất định, Ngũ Cung hấp dẫn vì sự biến hóa khôn lường của nó. Thế nên, bất kì ai tinh thông Ngũ Cung, sở hữu tư duy âm nhạc độc đáo, cộng với cá tính riêng đều có thể khai thác vô tận kho tàng âm nhạc này.
Sau những tiếng vang trên thị trường V-Pop, Ngũ Cung trở thành một trong những chất liệu được ứng dụng vô cùng phổ biến và dễ dàng công phá BXH Top Trending. Trong đó, có thể kể tên hàng loạt dự án âm nhạc “gây bão” cán mốc trên 40 triệu lượt xem: Tướng Quân (Nhật Phong), Cố Giang Tình (X2X), Cô Thắm Không Về (Phát Hồ x JokeS Bii, Sinikie, DinhLong)…
Các ca khúc kể trên đều nhanh chóng thu hút khán giả và mang đến những cơn bão thành tích. Tuy vậy, khác với âm nhạc của Hoàng Thùy Linh hay Jack, những sản phẩm này chưa thể tạo ra sức bật đủ để giới phê bình lẫn khán giả trầm trồ.
Vậy phải chăng Ngũ Cung là một sân chơi đặc quyền, “giới hạn”? Theo các khán giả thì câu trả lời là không. Bởi Ngũ Cung tự thân đã là một chất liệu mang tính sáng tạo cao và màu sắc dân tộc càng khiến nó khó bị trộn lẫn. Tuy nhiên, muốn phát huy hết sức mạnh của thể loại này, yếu tố quan trọng chính là producer.
Theo đó, producer không chỉ là người đệm đàn, thêm các bộ gõ sau khi bản thu đã hoàn thành…, họ còn là người định hình cho bản phối, lên concept bài hát và kết nối sự xuất hiện của nhạc cụ nhằm tạo nên nên bố cục chặt chẽ. Đó là cách Masew, K-ICM hay DTAP đã làm để nâng tầm cho các sản phẩm của mình. Có thể nói, chính Ngũ Cung đã giúp vai trò của các producer được nhìn nhận rõ ràng hơn. Tuy nhiên, Ngũ Cung lại chất liệu là vô cùng “khó xơi”. Bạn có thể thành công ở lần này nhưng chưa chắc có thể gây trầm trồ ở sản phẩm kế tiếp. Kể cả đó là K-ICM hay DTAP.
Điển hình là những sản phẩm “ăn theo” hời hợt như Hoa Bất Tử (MasterD ft. Blackbi), Họa Mây (Cố Giang Tình 2) hay cú "ngã ngựa" của K-ICM với Túy Họa. Vẫn là K-ICM đầy tài năng với khả năng ứng dụng khéo léo các nhạc cụ dân tộc vào âm nhạc điện tử thế nhưng cấu trúc bài hát lại quá dễ đoán. Gần hơn là sự kết hợp gây nhiều tranh cãi của DTAP và Jack trong Hoa Hải Đường. DTAP từng thành công với màu sắc âm nhạc dân tộc trong album Hoàng, tuy nhiên nhóm lại chưa mang đến đủ yếu tố bất ngờ cho giọng ca của Jack hay Hoa Hải Đường. Thế nên, Ngũ Cung vẫn sẽ là “mỏ vàng”, nếu ở đúng thời điểm, nghệ sĩ gặp được đúng producer để tạo ra những sự sáng tạo đủ đột phá.