Nhiều trường cao đẳng tuyển học sinh tốt nghiệp THCS

Nhiều trường cao đẳng tuyển học sinh tốt nghiệp THCS
HHT - Theo thông tư sửa đổi quy định về quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng, cho phép học sinh tốt nghiệp THCS được học để lấy bằng cao đẳng.
Nhiều trường cao đẳng tuyển học sinh tốt nghiệp THCS ảnh 1
Học sinh cấp THCS tìm hiểu về ngành nghề ở các trường CĐ, trung cấp. ẢNH: LÊ THANH.

Nhanh chóng tiếp cận học sinh

Nếu như những năm trước, các trường cao đẳng (CĐ) chỉ đi đến trường THPT để quảng bá tuyển sinh thì thời điểm này bắt đầu tỏa đi các trường THCS để thông tin, tư vấn về việc xét tuyển CĐ cho những học sinh (HS) này.

Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, cho biết: “Hiện cán bộ tuyển sinh đang đến các trường THCS ở TP.HCM và một số tỉnh khác để tư vấn cho HS. Vì thông tin này quá mới nên các trường cũng như HS còn khá ngỡ ngàng. Theo chương trình này, HS sẽ học 4 môn văn hóa trong năm đầu, tùy theo ngành học. Trong đó, toán, văn là môn bắt buộc. Hai năm tiếp theo sẽ học chương trình trung cấp. Sau khi hoàn thành sẽ học tiếp 1 - 1,5 năm để lấy bằng CĐ”.

Tại Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, những ngày này cán bộ tuyển sinh cũng tiếp tục đến các trường THCS để tư vấn. Thạc sĩ Vũ Văn Đông, Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, chia sẻ: “Năm nay trường sẽ dành 160 chỉ tiêu cho đối tượng tuyển sinh này. Các em có thể lựa chọn học 2 chương trình: lấy bằng trung cấp, hoặc lấy bằng CĐ. Nếu lấy bằng CĐ, các em sẽ phải hoàn thành các môn văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT, tốt nghiệp bậc trung cấp, sau đó học thêm 1 năm sẽ được cấp bằng CĐ”.

Theo ông Đông, trường đang ký kết với Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú để dạy các môn văn hóa ngay tại trường với thời lượng 1.020 tiết.

Trường CĐ Bách Việt cũng đang làm đề án gửi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để năm 2019 tuyển sinh đối tượng này. Trường CĐ Quốc tế TP.HCM dành 300 chỉ tiêu để tuyển HS tốt nghiệp THCS cho 8 ngành nghề. Các trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn (600 chỉ tiêu), CĐ Xây dựng TP.HCM... cũng bắt đầu tuyển sinh trong năm nay.

Trong khi đó, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng đã từng thí điểm từ năm 2017. Ưu điểm là HS sẽ học liên tục 4 - 5 năm từ sau lớp 9 mà không cần phải học và chờ liên thông như trước. Với thời gian đào tạo chia làm 2 giai đoạn. Sau khi học chương trình 9+3 để được cấp bằng trung cấp, HS sẽ học chuyển tiếp 1 năm lên trình độ CĐ.

Vừa dạy vừa dỗ

Việc cho phép HS tốt nghiệp THCS được học để lấy bằng CĐ là một điểm mới giúp cho công tác phân luồng hiệu quả hơn và các trường được mở rộng đối tượng tuyển sinh. Thế nhưng, đào tạo HS ở lứa tuổi này không dễ dàng.

Tiến sĩ Lê Đình Kha, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, nhìn nhận: “Đa số HS tốt nghiệp THCS không đủ điều kiện học tiếp THPT mới rẽ sang học nghề. Vì vậy, các trường CĐ đào tạo sẽ rất khó khăn, đòi hỏi có phương pháp tổ chức tốt để tránh tình trạng HS bỏ học quá nhiều. Ở lứa tuổi 15, 16, do chưa trưởng thành, chưa xác định được mục tiêu nên các em thường không chú tâm vào học tập. Phải có phương pháp chăm sóc, đào tạo khác so với đối tượng tốt nghiệp THPT. Vừa dạy vừa dỗ nên rất cần có giáo viên đủ kinh nghiệm, truyền được cảm hứng cũng như hiểu được tâm lý của các em”.

Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex là một trường vẫn đào tạo HS tốt nghiệp THCS cho bậc trung cấp. Bà Phan Thị Hải Vân thừa nhận: “Phụ huynh, xã hội ở ta vẫn quan niệm chỉ khi nào không đậu lớp 10 mới đi học trường nghề, chứ không phải các em thích đi học trường nghề vì yêu thích, vì muốn nhanh chóng bước ra thị trường lao động. Do đó, chỉ những em có sức học không tốt mới rẽ lối đi này. Số HS rơi rụng phải tới 40 - 50%, hiệu suất đào tạo thấp nên đó cũng là một thách thức với những trường CĐ có xét tuyển bậc học này”.

Vân cho rằng nhà trường phải phối hợp với gia đình chặt chẽ. Giáo viên thì không chỉ dạy chuyên môn mà còn phải hiểu được tâm lý, tính cách, hoàn cảnh các em để “vừa dạy vừa dỗ”, động viên, khuyến khích kịp thời khi thấy HS có dấu hiệu chán học, bỏ học.

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, nhấn mạnh có 2 việc mà các trường cần chú trọng đó là tổ chức đào tạo phải tốt, không được gây thất vọng cho người học. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm, bộ phận công tác HS phải quan tâm, chăm sóc, theo sát để nắm bắt nhu cầu HS, biết được các em đang gặp khó khăn gì để hỗ trợ, giải quyết. “Việc tư vấn ngành nghề cho phụ huynh và HS trước khi học cũng rất quan trọng. Quá trình đào tạo thì cho các em được thực hành nhiều để không có cảm giác buồn tẻ. Đồng thời, tăng các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích tại trường để các em có cảm giác gắn bó, thoải mái...”, tiến sĩ Trần Mạnh Thành nhận định.

Theo thanhnien.com.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm