Những nhóm ngành quen thuộc hút thí sinh
Theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau khi kết thúc thời điểm đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng 2021, trên hệ thống đã có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 với 3,8 triệu nguyện vọng. Số liệu về đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh cho thấy có sự phân hoá mạnh mẽ giữa các ngành nghề được thí sinh lựa chọn.
Theo đó, nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý có số lượng nguyện vọng đăng ký nhiều nhất với hơn 1,2 triệu nguyện vọng (chiếm tới 33% tổng số lượng nguyện vọng). Đứng thứ hai là nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin với hơn 346.000 nguyện vọng đăng ký (chiếm 9% tổng số lượng nguyện vọng).
Bên cạnh đó, theo Vụ Giáo dục Đại học, để đánh giá tình hình, xu hướng đăng ký ngành 2021, phải căn cứ số liệu đăng ký nguyện vọng 1 (NV1) vì nó thể hiện ngành mong muốn, lựa chọn đầu tiên của các thí sinh.
Lĩnh vực công nghệ có liên quan cuộc Cách mạng 4.0 nên học sinh đăng ký nhiều. |
Với cách đánh giá này, những ngành có tỉ lệ thí sinh đăng ký NV1 so với chỉ tiêu cao nhất năm nay là: An ninh Quốc phòng (số nguyện vọng 1 gấp 5,6 lần số chỉ tiêu); Báo chí và Thông tin (số nguyện vọng 1 gấp 3,1 lần số chỉ tiêu). Nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý tuy chỉ đứng thứ 6, nhưng lại có số nguyện vọng đăng ký nhiều nhất, chỉ ra rằng nhóm ngành này được nhiều thí sinh lựa chọn nếu trượt NV1.
Ngành hot có mang lại rủi ro lớn?
Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thu Thủy (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT) cho rằng, việc thí sinh đăng ký tập trung vào 1 số nhóm ngành không nên hiểu là lệch. Điều này thể hiện xu hướng nghề nghiệp của năm, giai đoạn đó (là ngành hot, thu nhập đang cao), thể hiện nguyện vọng của thí sinh và một phần nhu cầu, sự dịch chuyển của thị trường lao động, của nền kinh tế. Về nhóm ngành Kinh doanh và Quản lý, đây là những ngành dễ học, nhiều trường dạy, ra trường cũng làm đa dạng ngành nghề.
Ngành Báo chí - Truyền hình hot bởi sinh viên ra trường có cơ hội sáng tạo, năng động. |
Dù vậy, lựa chọn những ngành nghề xu hướng cũng khiến các bạn thí sinh phải đối mặt với rủi ro lớn hơn, bởi các ngành nghề này có mức độ cạnh tranh cao. Chẳng hạn như ngành Khoa học Máy tính của trường Đại học Bách khoa, teen cần đạt gần 10 điểm mỗi môn mới có thể thi đỗ.
Bạn Phương Ngân (THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình) chia sẻ: “Thực sự thì mĩnh cũng khá lo lắng khi số lượng nguyện vọng năm nay nhiều như vậy. Chỉ tính trong lớp mình thôi, bọn mình bị trùng nguyện vọng ngành, trường với nhau khá nhiều, mức độ cạnh tranh tăng lên khiến ai cũng áp lực hơn cho kỳ thi sắp tới”.
Theo đuổi xu hướng, vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường cũng là điều đáng lo ngại. |
Tuy nhiên, với những ngành hot, teen cũng có mối lo riêng. Trong quá khứ đã từng có thời gian thí sinh đổ dồn vào ngành Điều dưỡng. Hệ quả là có thời điểm dư thừa nhân lực ở ngành này, đặc biệt là điều dưỡng theo hướng xuất khẩu lao động, trong khi nhiều ngành nghề khác rất cần nhân lực mà không tuyển dụng được. Bên cạnh đó, nhiều teen mong muốn theo học những ngành hot mà không đúng với năng lực, sở trường của mình sẽ lãng phí thời gian và tiền bạc. Khi ra trường, thậm chí sẽ phải theo học một ngành nghề khác.
Dựa vào gì để chọn ngành?
Bạn Như Quỳnh (Đại học Ngoại ngữ, Hà Nội) chia sẻ: “Theo mình thì trước khi chọn nghề nghiệp, chọn trường nên cân nhắc giữa sự yêu thích và năng lực của bản thân. Vì ví dụ như bạn sợ máu mà lại quyết học Y cho bằng được thì cũng sẽ rất khó khăn. Đồng ý là chúng mình nên làm những thứ bản thân thích để sống vui vẻ, nhưng nếu không đáp ứng đủ điều kiện về năng lực, thể chất thì cũng không thể tạo ra giá trị cho với nghề nghiệp đó được”.
Bạn nên tìm hiểu kỹ triển vọng nghề nghiệp trong xã hội. |
Teen cần xác định rõ yêu cầu nguồn nhân lực hiện tại của xã hội là gì, tránh chạy theo tâm lý đám đông. Ví dụ như ngành Công nghệ thông tin có nhu cầu nguồn nhân lực tăng nhưng thị trường lao động trong lĩnh vực này luôn thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Bởi hiện tại, các trường đào tạo ngành này ở Việt Nam được đánh giá khó đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng về nguồn cung nhân lực chất lượng cao trong tương lai gần.
Ngoài ra, xu hướng các ngành nghề hiện tại đều phát triển dựa trên nền tảng truyền thống nhưng gắn liền với công nghệ và khoa học. Bởi vậy, teen cần chủ động trau dồi kiến thức, rèn luyện thêm nhiều kỹ năng và sự sáng tạo để đáp ứng yêu cầu ngành nghề mình lựa chọn.