Những bí mật đằng sau ánh đèn lấp lánh của các show diễn thời trang

Những bí mật đằng sau ánh đèn lấp lánh của các show diễn thời trang
HHT - Mùa thời trang Xuân - Hè 2019 đã đến, hàng loạt các tuần lễ thời trang trên toàn thế giới đã diễn ra, nhưng bạn đã biết hết về những sự thật nằm đằng sau ánh đèn lấp lánh của sàn catwalk và những siêu mẫu chân dài chưa?

Các nhà thiết kế phải trả tiền để người nổi tiếng xuất hiện trên ghế khán giả

Càng nhiều sự xuất hiện của người nổi tiếng (diễn viên, siêu mẫu hạng A, ca sĩ…) càng thu hút được sự chú ý của truyền thông và báo giới, đó cũng là bảo chứng cho sự thành công của một show diễn thời trang. Nhất là trong những tuần lễ thời trang, khi mỗi ngày có đến cả chục show diễn ra. Vậy nên, nếu các nhà thiết kế không có mối quan hệ thân thiết với các ngôi sao hạng A để mời được họ đến tham dự, họ sẽ phải bỏ tiền ra để mời những ngôi sao nổi tiếng tham dự show thời trang của mình. Càng nhiều người nổi tiếng xuất hiện và nhắc đến show diễn trên các trang cá nhân của họ, show thời trang đó càng thành công.

Những bí mật đằng sau ánh đèn lấp lánh của các show diễn thời trang ảnh 1

Người mẫu mới hoặc ít tên tuổi sẽ phải làm việc mà không được trả tiền

Cũng giống như các nhà thiết kế mới cũng sẽ không được nhận thù lao cho công sức họ đã bỏ ra. Được tham gia các show thời trang, nhất là trong những tuần lễ thời trang nổi bật đã là một vinh dự lớn rồi. Thay vào đó, những người mẫu mới sẽ được nhận quần áo của chính nhà thiết kế mà họ trình diễn trang phục, theo một thỏa thuận đã được đàm phán từ trước.

Phần lớn các biên tập viên thời trang đều phải mượn đồ và phụ kiện để mặc ở các fashion show

Họ không kiếm tiền khủng như sao nên một vài bộ quần áo hàng hiệu, phụ kiện sành điệu để diện trong suốt cả tuần lễ thời trang là điều không thể. Chính vì thế, các biên tập viên thời trang sẽ có giải pháp thay thế: Mượn đồ và phụ kiện từ các nhà thiết kế, ăn mặc sao cho thật phong cách để được lọt vào ống kính của các photographer chuyên chụp street style.

Để mọi người thấy bạn mặc gì quan trọng hơn nhiều so với việc ngắm nhìn bộ sưu tập thời trang ấy

Tất nhiên, đó là nếu bạn muốn gây sự chú ý với những người có thể mang lại cơ hội nghề nghiệp và kiếm tiền cho mình. Sự thật là bất kì bộ sưu tập thời trang nào cũng có thể được xem online, đa số mọi người đến tham dự show thời trang đều là để giao lưu, tìm kiếm đối tác và nâng cao hình ảnh cá nhân.

Những bí mật đằng sau ánh đèn lấp lánh của các show diễn thời trang ảnh 2

Nơi bạn ngồi quyết định tất cả

Vị trí trong làng showbiz, độ lớn của tên tuổi, tài năng sẽ là những tiêu chí để người ta sắp xếp vị trí chỗ ngồi từ hàng ghế đầu đến hàng ghế sau cùng. Ở tuần lễ thời trang tại New York (NYFW), hàng ghế đầu bên tay trái, ở cuối đường catwalk (thường được đánh số A-1-1) đều được để dành cho những người làm ở tạp chí Vogue, đặc biệt là Tổng biên tập - bà Anna Wintour. Tổng biên tập các tạp chí lớn và các giám đốc thời trang cũng thường xuất hiện ở hàng ghế đầu cùng với những celeb hạng A, những người nổi tiếng trong các lĩnh vực xã hội hoặc những khách hàng VIP của nhãn hàng có show diễn đó. Những biên tập viên thời trang, blogger, khách hàng thân thiết của hãng… sẽ được sắp xếp ngồi tiếp ở những ghế sau.

Vị trí bạn được xếp sẽ nói lên địa vị của bạn, đó là luật bất thành văn. Vậy nên khi ai đó cảm thấy mình được xếp chỗ không đúng, họ sẽ khiếu nại và đòi được xếp chỗ ở những hàng ghế cao hơn, và chuyện này thường sẽ rất đến những màn cãi nhau khá “gay cấn” và căng thẳng giữa người được xếp chỗ và ban tổ chức. Nếu như màn khiếu nại không được chấp thuận, khả năng cao là họ sẽ không xuất hiện ở show diễn thời trang đó luôn. “Thà vắng mặt, còn hơn để mọi người thấy bạn bị xếp ngồi ở chỗ không xứng đáng!”.

Những bí mật đằng sau ánh đèn lấp lánh của các show diễn thời trang ảnh 3

Chẳng có gì hấp dẫn trong bất kỳ chiếc túi quà tặng nào ở các show diễn

Hai hàng ghế đầu thường sẽ nhận được một túi quà tặng từ những nhà tài trợ show diễn. Thường thì bên trong chẳng có quà gì hấp dẫn và giá trị cả. Người ta vẫn đùa nhau rằng thứ giá trị và đẹp đẽ nhất chính là chiếc túi chứ không phải thứ bên trong nó. Trong phần lớn các show diễn, các túi quà tặng đều được trao lại cho các thực tập sinh, hoặc vứt lại trên hai hàng ghế đầu.

Quần áo bạn thấy trong các bộ sưu tập thời trang thường không phải thứ sẽ được bán ngoài cửa hàng

Các cửa hàng thời trang thường yêu cầu các nhà thiết kế thay đổi thiết kế trang phục sao cho chúng trở nên gần gũi và dễ mặc hơn với đại đa số người dùng. Thêm vào đó, một số chi tiết cũng có thể thay đổi so với thiết kế ban đầu để giảm giá thành sản phẩm như thay khuy bằng khóa zip, đổi loại vải…

Các show diễn thời trang luôn bắt đầu muộn hơn giờ thông báo

Thường sẽ muộn ít nhất là 15 phút cho đến tối đa là nửa tiếng. Đôi khi đó là vì nhà thiết kế còn phải chờ một nhân vật “tai to mặt lớn” nào đó xuất hiện rồi mới bắt đầu show. Đôi khi là do người mẫu vẫn chưa mặc xong đồ và chưa xong các bước chuẩn bị cuối cùng. Show diễn của Marc Jacobs và Oscar de la Renta là ngoại lệ vì luôn bắt đầu rất đúng giờ.

Theo Trích HHT 1296
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm