Tôi sinh ra ở một vùng nông thôn chông chênh giữa “nghèo” và “đang đổi mới”. Điện thời đó vào mùa khô cứ cách ngày lại cúp một lần vào buổi tối để dành cho việc tưới cây trong nông trường, và cho dù vài lần không thể xem được chương trình “Những bông hoa nhỏ”, hay “Trò chuyện cùng chú chó trắng”, thì “không có điện” - đối với tôi khi ấy, lại là một niềm vui nho nhỏ khác. Đó là những buổi tối vừa ngồi bên cái đèn pin phòng chống bão lụt được nhà nước cấp phát cứ chớp tắt chớp tắt, vừa chăm chú nghe ba kể chuyện, những câu chuyện hầu như lúc nào cũng bắt đầu bằng “Đã có một thời…”.
“Đã có một thời, ba phải ngủ lại trong rừng, ấy là ban ngày còn phải đi học, còn không, một chuyến đi rừng của ba hẳn cả tuần. Vậy nên có lần…”
“Đã có một thời, bài “Lá xanh” con vừa mới học ấy, ba thích ghê lắm, nên cứ tối lại trộm radio của ông ra mở nghe, vậy nên mới có chuyện…”
“Đã có một thời, cái loa ở cột điện bên cạnh đường nhựa ấy, cứ năm giờ rưỡi sáng là phát nhạc inh ỏi lên để đánh thức bà con ra đồng, giờ thì chỗ là đồng đó đã là nhà dân hết rồi, nên người ta bỏ cái loa đó đi…”
Bắt đầu từ những ngày thơ ấu đó, ba đặt những viên gạch đầu tiên cho thế giới quan của tôi, để rồi những gì tôi thấy là những gì ba từng thấy, từng trải qua và kể lại. Tôi biết đến chiếc diều sáo ba gò, nỗi buồn vỡ ra theo tiếng gãy của nan tre, niềm vui khi lần đầu được ăn quả ổi tự tay mình trồng cây, niềm hạnh phúc khi nhìn thấy nụ cười thuần hậu của con người ở nơi lạ, làm ba ấm lòng lại…
“Con biết, nhưng con không thể hiểu hết đâu.”
Ba luôn nói thế, kết thúc câu chuyện bằng một khoảng mong chờ của tôi. Tôi tưởng tượng đến bản thân mình trong những ký ức đó, rồi háo hức muốn tìm đến đoạn kết của câu chuyện. Tôi của những ngày ban sơ đó, chẳng ngần ngại khi nói rằng muốn trở thành một người như ba.
Sau này, trong một lần tôi trò chuyện với bạn, cô đã ấy nói “Đã có một thời, bố là tất cả…”
Tôi bắt đầu học xa nhà, ở nơi có truyền hình cáp, có Internet, có một thế giới đầy những đổi thay và kỳ lạ. Tôi bắt đầu thấy những điều hạnh phúc, những điều đau buồn, những điều khác hoàn toàn những gì từng thấy trong cái thế giới quan nhỏ bé ngày xưa - cái xóm nhỏ cúp điện cách ngày. Tôi hiểu những điều ba từng nói, để rồi cảm thấy lạ lẫm với thế giới của mình. Để mỗi lần trở về nhà, tôi bắt đầu nhận ra điểm khác biệt giữa tôi và ba ngày càng lớn. Rồi dần dà, ba với những nét tính cách, với những giá trị thuần túy hơi hướng của ngày xưa, bắt đầu đối lập với cách suy nghĩ, cách nhìn nhận mới và khác biệt của tôi - đứa con gái ba nghĩ mãi mãi bé bỏng, ngây ngô như cái thời chăm chú ngã vào lòng ba kể chuyện. Sự gò bó nhưng lạc lõng đẩy tôi và ba ra khỏi những câu chuyện chung. Là ba với nỗi buồn khi tôi ngày càng đổi khác. Là tôi giữa manh nha suy nghĩ thoát khỏi cái bóng quá khứ từ tượng đài ba do chính mình xây dựng lên, đã trùm lên, chi phối tôi trong cuộc sống nơi lòng thành phố xô bồ ồn ã này.
Tôi luôn yêu những ngày xưa ấm áp và thanh bình, vẫn yêu “Lá xanh”, vẫn thích tiếng loa đánh thức người vào mỗi sáng. Yêu những ngày ba vận nội công “Đếm 1, 2, 3 là có điện nhé…”
Tôi vẫn luôn yêu thương ba.
Nhưng sự thay đổi là có và mất.
Nên những ngày cúp điện vui vẻ như xưa, cũng chỉ còn là “Đã có một thời…”
NGUYỄN THANH HÀ
(11 Tú Xương, Phước An, Tỉnh ĐăkLăk)
Ảnh minh họa từ Internet